Trưởng lão Hòa thượng
Thích Chánh Pháp
( 1913-1985 )

Tiểu sử

Hòa thượng Chánh Pháp pháp danh Tâm Quang, thế danh Nguyễn Hữu Trừng, đời thứ 43 dòng thiền Lâm Tế. Ngài sinh ngày mồng 4 tháng 4 năm Quý Sửu (1913) tại làng An Xuân, xã Quảng Lộc, quận Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là xã Quảng An, huyện Quảng Điền); trong một gia đình truyền thống Nho giáo nhưng lại thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nhiều đời. Chính vì vậy mà Ngài đã sớm có ý nguyện xuất gia.
  • Thân thế:

    Hòa thượng Chánh Pháp pháp danh Tâm Quang, thế danh Nguyễn Hữu Trừng, đời thứ 43 dòng thiền Lâm Tế. Ngài sinh ngày mồng 4 tháng 4 năm Quý Sửu (1913) tại làng An Xuân, xã Quảng Lộc, quận Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là xã Quảng An, huyện Quảng Điền); trong một gia đình truyền thống Nho giáo nhưng lại thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nhiều đời. Chính vì vậy mà Ngài đã sớm có ý nguyện xuất gia.
    Thân phụ ngài là cụ Nguyễn Hữu Thanh, về sau xuất gia học Phật có pháp danh là Trừng Tịnh, tự là Diệu Thanh. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Nguyện, Ngài có 5 anh em tất cả và Ngài là con thứ 3 trong gia đình.
    Năm lên 14 tuổi, thân mẫu Ngài quá vãng, nhân lúc cung thỉnh chư vị Đại đức Tăng về cầu nguyện cho mẹ, qua phong thái cốt cách xuất trần của chư Tăng mà chí nguyện xuất gia càng được un đúc thêm trong tâm tư của Ngài.

     

  • Xuất gia tu học:

    Năm 14 tuổi, sau tang lễ của mẹ xong, chí xuất trần đã đến hồi quyết định, được sự chấp thuận của thân phụ, Ngài từ biệt gia đình vào chốn thiền môn.
    Bước đầu, Ngài vào Tổ đình Tường Vân tham yết Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh xin được xuất gia, được Hòa thượng Tịnh Hạnh chấp nhận và truyền trao giới pháp tam qui ngũ giới, đặt pháp danh là Tâm Quang. Song chẳng bao lâu, Đại lão Hòa thượng Tịnh Hạnh viên tịch. Ngài lại tham cầu học đạo với Hòa thượng Tịnh Khiết. Do học với hạnh đều khả quan, chí với nguyện đều xứng đáng nên năm Đinh Sửu (1937) Ngài được chính thức thế độ thọ Sa-di giới tại Tổ đình Tường Vân với pháp tự là Chánh Pháp.
    Sau khi được thọ Sa-di giới, Ngài lại càng chuyên tâm tu học hơn nữa. Tám năm sau, tức năm Giáp Thân (1944), Ngài được Hòa thượng Tịnh Khiết cho thọ Cụ túc giới tại Giới đàn Thuyền tôn do Đại lão Hòa thượng Giác Nguyên làm đàn đầu.
     
     

  • Hoạt động phật sự:

    Năm Mậu Tý (1948), Ngài được Sơn môn Tăng già Thừa Thiên bổ nhiệm làm trú trì chùa Phổ Quang – Huế. Tại đây, với khả năng của mình, không những nỗ lực không biết mệt mỏi trong công tác tiếp chúng độ sanh, mà Ngài còn tô bồi ngôi phạm vũ từ chỗ hoang tàn suy sụp thành ngôi chùa cổ kính trang nghiêm mà ngày nay ai ai cũng biết đến.
     
    Năm Quí Sửu (1973), sau khi Hòa thượng Tịnh Khiết, trú trì Tổ đình Tường Vân viên tịch, Ngài được chư Tăng Ni trong Tông môn mời trông coi Tổ đình, để đôn thúc, hướng dẫn Tăng chúng tu học. Trong thời gian giữ chức trông coi Tổ đình, Ngài đã dùng kinh nghiệm tu tập để dẫn dắt đồ chúng, trang nghiêm phạm vũ, Ngài đã góp phần xây dựng Tổ đình ngày thêm rạng rỡ, đồng thời đem lại cho Tăng chúng, Phật tử niềm tin mãnh liệt vào chánh pháp.
     
    Tháng 5 năm 1982 (Nhâm Tuất), khi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên thành lập, Ngài được cung thỉnh vào hàng thành viên chứng minh của Giáo hội tỉnh.
     
    Trong cuộc đời tu học, Ngài đã khéo léo dung nhiếp Thuyền Tông và Tịnh độ, cẩn mật hành trì giới luật. Ngài sống một cuộc sống hết sức đơn giản bình dị, tâm chí thì cương trực, kham nhẫn khi gặp mọi trở lực, hành động thì hết lòng phụng sự đạo pháp. Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, Ngài không từ nan bất cứ nhiệm vụ nào.
     

  • Thời kỳ viên tịch:

    Đầu năm Ất Sửu (1985) vốn linh cảm được sự hóa duyên sắp mãn, Ngài đã đến thăm viếng các Tổ đình như: Báo Quốc, Từ Đàm, Trúc Lâm và các chùa Hồng Ân, Diệu Đức, Tháp Yết Ma, Tổ đình Tường Vân v.v… Ngài ân cần khuyên bảo đồ chúng bổn tự tinh tấn tu học, thương yêu dìu dắt lẫn nhau trong đạo nghiệp tu học, đồng thời cố gắng góp phần công đức với chư Tăng Ni chung lo Phật sự giáo hội, giúp đỡ tín đồ.
    Qua một thời gian thị bệnh và tịnh dưỡng, vào lúc 10 giờ ngày 5 tháng 4 năm Ất Sửu, sau Lễ vía Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát mấy giờ, Ngài đã an nhiên thâu thần thị tịch giữa tiếng tụng kinh niệm Phật của Tăng Ni, Phật tử cùng môn đồ hiếu quyến. Ngài trụ thế 73 năm và 42 hạ lạp.
     

Tiểu sử các chư tôn thiền đức
Xem cỡ chữ: