Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã vấn an và có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2568-DL.2024 tại Thừa Thiên Huế về ý nghĩa và công tác tổ chức Đại lễ.
PV: Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng chia sẻ về ý nghĩa Ngày Đức Phật đản sinh?
HT.Thích Khế Chơn: Mùa Phật đản PL 2568-DL 2024 năm Giáp Thìn đang trở về trên quê hương đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta và trong mọi trái tim cuả người con Phật trên khắp thế giới!
Mùa Phật đản, gót sen tháng tư ngọc ngà, dấu chân Đức Phật bước xuống trần gian, mãi nở mấy nghìn năm qua và sen còn nở mãi, tỏa hương thơm cho đến mấy nghìn năm sau nữa. Gót sen Ngài không đi trên nhung lụa Hoàng triều Vương giả để rồi đạt đến tột đỉnh cao sang, Ngài bước 7 đóa sen nâng gót tịnh trong buổi bình minh của nhân loại để bắt đầu cuộc hành trình vào đời cứu khổ ban vui, cho muôn loài vơi đi hận thù, ngưng rơi dòng lệ cố chấp đảo điên.
Ngày Đản sinh của Đức Phật đã mở đầu một kỷ nguyên mới thật huy hoàng xán lạn trong lịch sử nhân loại, một kỷ nguyên tôn trọng bảo vệ quyền sống cho muôn loài và khai phóng quyền hiểu biết cho mọi người thoát khỏi cương tỏa của thần quyền mê hoặc và thành kiến cố chấp hẹp hòi bằng thông điệp từ bi và trí tuệ.
Ngày Đức Phật xuất thế, muôn loài hoan ca vì nhờ ngày này mà nước mắt bớt chảy, uất hận nguội dần, oán thù giảm thiểu để nhớ lại những đức tánh hiền lành và khả năng giác ngộ đã bị chôn vùi từ vạn kiếp trong bóng tối vô minh.
Ngày Phật đản là cả một ánh dương mầu nhiệm hiển lộ trần gian, lòng người cảm thấy một năng lực dịu hiền bát ngát tràn ngập trong người, xóa bỏ những lớp biên cương của ác tánh vị ngã, để sống gần nhau hơn, thương yêu nhau hơn trong một bản thể nhịp nhàng cao khiết.
Trong ý nghĩa đó, chúng ta nguyện tiếp tục thực hiện bản nguyện độ sinh của Đức Phật đã truyền trao cách đây 2568 năm trên tảng đá Niết bàn, dưới đôi bóng Sala trong vườn Thượng uyển của Tiểu vương Mala. Đây là một sự kiện của loài người chứ không phải riêng cho một dân tộc, một quốc gia, một thời đại nào, cho nên đã trở thành bất diệt.
Trong nhưng giây phút thiêng liêng lịch sử, tất cả chúng ta hãy thanh tịnh cõi lòng để hái đóa tâm sen dâng lên cúng dường Đức Phật với sự kính ngưỡng vô biên, lòng biết ơn vô hạn đối với Đấng Đạo sư tối tôn chí kính đã điểm chỉ lộ trình tu thân hành thiện, giải thoát và giác ngộ cho tất cả chúng sanh.
PV: Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng cho biết công tác tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2568-DL.2024 tại Thừa Thiên Huế?
HT.Thích Khế Chơn: Hôm nay trăng tròn tháng Tư lại trở về, Đại lễ Phật đản PL.2568- DL.2024 đang được long trọng cử hành tại quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Một đất nước của dân lành mà lòng tín mộ Đạo Phật đã là những gì thiết tha gần gũi như khí trời và buồng phổi. Đại lễ Phật đản trở về cả thiên nhiên và lòng người như thắm đượm cùng trong một bầu không khí hớn hở, nhiệt nồng, tín thành và náo nức chờ đón ngày Đức Phật đản sinh.
Ngày đản sinh của Đức Phật đã được Liên Hiệp Quốc tổ chức hằng năm, là lễ hội tôn giáo thế giới nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của Phật giáo vì hòa bình cho nhân loại.
Phụng hành thông bạch số 88/TB-HĐTS ngày 28/3/2024 của Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản PL 2568-DL 2024. Theo tinh thần phiên họp toàn BTS ngày 18/3/2024 và phiên họp ngày 3/4/2024; BTS đã thành lập BTC Đại lễ Phật đản và có thông tư số 56/TT-BTS ngày 3/4/2024 về việc tổ chức Đại lễ Phật đản PL 2568-DL 2024 tại TT Huế. Từ ngày mùng 8 đến ngày 15 tháng 4 năm Giáp Thìn với nhiều hình thức nội dung như thiết trí lễ đài, thắp sáng 7 hoa sen trên sông Hương, trang hoàng biểu tượng Phật giáo, thực hiện nghi lễ tắm Phật và lễ rước Phật truyền thống đi bộ từ lễ đài chùa Diệu Đế lên lễ đài Từ Đàm cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình; treo cờ, lồng đèn, biểu ngữ Kính mừng Đại lễ Phật đản; thiết lập vườn Lâm Tỳ Ni; diễu hành Thuyền hoa; phóng sanh đăng, triễn lãm về văn hóa Phật giáo; văn nghệ cúng dường; tụng kinh suốt tuần lễ Phật đản; tọa đàm; diễn giảng chánh pháp; đặt vòng hoa tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ, Đài Thánh tử đạo; thăm viếng và tặng quà thân nhân Chư Thánh Tử Đạo, các gia đình có công với nước, thương binh, các gia đình liệt sĩ, các gia đình khó khăn, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, trại dưỡng lão, bệnh viện…
Đặc biệt tại 8 huyện, thị xã sẽ cử hành lễ chính thức cúng dường Đại lễ Phật đản vào các buổi sáng từ ngày 10 đến 13 tháng Tư. Ban Trị sự GHPGVN các huyện, thị xã sẽ cung thỉnh Chư Tôn đức về chứng minh, tham dự. Riêng tại Lễ đài chính Tổ đình Từ Đàm, toàn thể Tăng Ni Phật tử các giới sẽ vân tập đông đủ vào lúc 6 giờ 00 sáng ngày Rằm tháng 4 năm Giáp Thìn để tham dự Lễ chính thức Đại lễ Phật đản PL.2568-DL.2024.
Nhất tâm cầu nguyện các Phật sự dâng lên cúng dường Đức Phật nhân mùa sen nở năm nay được viên thành như sở nguyện. Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.
PV: Xin cảm ơn Hòa thượng, kính chúc Hòa thượng pháp thể khinh an, Phật sự viên thành.