menu_open
Lễ Rước Phật – thiêng liêng và ý nghĩa
19/05/2024 6:33:33 SA
Xem cỡ chữ:
Tuần lễ Phật đản PL.2568-DL.2024 được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trang nghiêm, trọng thể với nhiều chương trình, hoạt động Phật sự phong phú, ý nghĩa nhằm kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, cầu nguyện Tổ quốc vinh quang, Đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã vấn an và thỉnh ý Hòa thượng Thích Huệ Phước, UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2568-DL.2024 tại Thừa Thiên Huế về ý nghĩa thiêng liêng của Lễ Rước Phật và công tác từ thiện, an sinh của Giáo hội.

PV: Kính bạch Hoà thượng, xin Hoà thượng chia sẻ ý nghĩa thiêng liêng của lễ Rước Phật?

HT.Thích Huệ Phước:

Bắt nguồn từ sự kiện lịch sử đoàn xa giá đưa Thái tử Tất Đạt Đa sơ sinh từ vườn Lâm Tỳ Ni trở về thành Ca Tỳ La Vệ, về sau được hàng đệ tử Phật tái hiện để tưởng niệm trong Đại lễ Phật đản. 

Theo thời gian, tại Ấn Độ, A Dục vương truyền dạy dân chúng phải tổ chức trọng thể lễ hội rước Phật vào ngày kỷ niệm Đản sanh hằng năm. Nước Vu Điền, lễ rước Phật rất long trọng bắt đầu từ mùng Một cho đến hết tháng Tư, đích thân quốc vương và hoàng hậu nghinh giá. Tại Ma Kiệt Đà, đoàn rước Phật lại càng long trọng hơn, diễu hành trong kinh đô cùng với sự tưng bừng của những hội diễn kịch nhạc, treo đèn, kết hoa cúng dường. Lễ rước Phật tại nước Dao Tần cực kỳ hoành tráng, có đến 1000 xe hoa nghinh Phật sơ sinh diễu hành để toàn thể dân chúng được chiêm ngưỡng và lễ bái Phật.

Ở Trung Quốc, lễ rước Phật cũng rất thịnh hành. Vào thời Đông Tấn đã đúc 5 tượng đồng Phật sơ sinh để cung nghinh trong lễ rước Phật. Thời Nam Bắc triều, Thái Võ đế nhà Ngụy có chỉ thiết lễ rước kiệu Phật, chính vua và hoàng hậu rải hoa cúng dường đoàn xe kiệu rước Phật sơ sinh. Hiếu Võ đế nhà Tây Ngụy hạ chỉ quy định thiết lễ Phật đản, các ngôi chùa lớn ở Lạc Dương trần thiết xe kiệu rước Phật vào cung đình, không khí thật hùng vĩ và tưng bừng “Ngày Phật đản, hoa vàng ngời sáng như ánh dương, lọng hoa lợp kín như mây phủ, cờ phướn giăng lên như rừng cây, trầm hương xông lên dày đặc như sương phủ, tiếng kinh và tiếng nhạc rung chuyển cả đất trời”. Đặc biệt vào thời Đường, Phật giáo hưng thịnh nên lễ rước Phật vô cùng to lớn, linh đình.

Tại Nhật Bản, lễ Phật đản đã rất thịnh hành từ thời Thánh Đức. Ngoài việc trần thiết xe kiệu rước Phật, các chùa còn tổ chức phát chẩn và đặc biệt là kết hoa cúng Phật. Từ đó, ngày Đản sanh đã trở thành lễ hội Cắm Hoa, còn gọi là lễ Hoa.

Ở nước ta, từ thời Lý - Trần, lễ rước Phật và lễ “tắm Phật” được vua quan và dân chúng rất mực quan tâm và tổ chức trọng thể. Vua Lý Nhân Tông “Sau khi xây dựng, trùng tu chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), hàng tháng cứ đến ngày rằm, mùng một và mùng tám tháng tư xa giá ngự đến lễ Phật cầu an, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm làm lệ thường”. Thời bấy giờ còn có tập tục nghinh rước Phật cũng rất linh đình, đích thân vua Lý Cao Tông đến chùa Pháp Vân cung nghinh rước Phật từ chùa Pháp Vân về chùa Báo Thiên để làm lễ cầu mưa. Tập tục này được duy trì đến đầu thời Hậu Lê.

Tại Huế, khi phong trào chấn hưng Phật giáo phát khởi, năm 1935 lễ Phật đản do Hội Phật học tổ chức đầu tiên có quy mô lớn, khoác lên mình màu sắc xã hội, quy tập nhiều giới trong xã hội. Đoàn rước cung nghinh kim thân Đức Phật sơ sinh từ chùa Báo Quốc về chùa Diệu Đế trong khung cảnh trang nghiêm và thâm huyền của xứ Thần kinh bấy giờ. Từ cuộc lễ này đã thức tỉnh tư duy của Phật giáo đồ cũng như nhận thức của giới trí thức và quần chúng mến mộ đạo Phật; tạo được sự chuyển biến tích cực đối với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, làm cho Phật giáo Huế không ngừng phát triển.

Những thập niên qua, Đại lễ Phật đản được tổ chức quy mô với nhiều hình thức, nổi bật nhất là lễ cung đón 7 bước chân thanh tịnh của Thế Tôn qua nghi thức thắp sáng 7 hoa sen trên sông Hương tại Nghênh Lương đình và lễ rước Phật từ Quốc tự Diệu Đế đến Tổ đình Từ Đàm lịch sử đã trở thành truyền thống sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của Phật giáo làm cho Huế thanh bình hơn, xinh đẹp và dễ thương hơn; suối nguồn hạnh phúc của xã hội, nhân sinh tuôn trào tình yêu thương và sự hiểu biết!

Kinh Hoa Nghiêm ghi rõ ý nghĩa 7 bước đi của Bồ tát khi đản sinh: Vì hiện Bồ tát lực mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện xả thí bảy Thánh tài mà thị hiện đi bảy bước. Tinh thần đoàn kết và phụng sự tha nhân là quan trọng hơn bao giờ hết để Phật giáo Huế tiếp tục góp sức mình cho sự phát triển bền vững và an lạc hạnh phúc quần sinh./.

 

PV: Thưa Hoà thượng, việc thăm hỏi đến gia đình các Thánh Tử đạo, tặng quà từ thiện, an sinh được Giáo hội quan tâm chỉ đạo thực hiện như thế nào?

HT.Thích Huệ Phước:

Tại Huế, thời gian Phật đản không còn là Ngày hay Tuần lễ mà đã trở thành Mùa Phật đản truyền thống! Ngay từ những ngày đầu tháng Tư âm lịch, công tác trần thiết lễ đài, treo cờ, phan, phướn, băng rôn... tại trụ sở các cấp Giáo hội, tự viện, tư gia Phật tử và trang hoàng nơi công cộng đã khởi động.

Khi 7 đóa sen hồng linh nhiệm hiện hữu trên dòng Hương giang thơ mộng là thời điểm mở màn cho chuỗi hoạt động Phật sự mang ý nghĩa phục vụ nhân sinh lợi đạo ích đời: tụng kinh cầu nguyện Tổ quốc vinh quang, Đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc; đặt vòng hoa nghĩa trang liệt sĩ và đài Thánh tử đạo; thăm viếng, tặng quà; phóng sanh đăng, diễu hành thuyền hoa; tọa đàm, thuyết pháp, triển lãm, văn nghệ; rước Phật và cử hành lễ chính thức kỷ niệm ngày Đức Phật thị hiện đản sanh.

Mùa Phật đản là mùa của yêu thương và hiểu biết, với ý nghĩa “vô duyên đại từ” “đồng thể đại bi” và “vô ngã, vị tha”, bằng con đường tâm linh - xã hội, Phật giáo Huế luôn nỗ lực thực hiện nếp sống tri ân và báo đáp tứ trọng ân; tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của Phật giáo vì hòa bình nhân loại; tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội nhằm lan tỏa tình yêu thương, nhân ái đến với những mảnh đời bất hạnh, người nghèo khó, trẻ mồ côi, người già neo đơn, khuyết tật; gia đình có công, thương binh liệt sĩ, thân nhân tử vì đạo... Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng 5 ngôi nhà đại đoàn kết thuộc chương trình xóa nhà tạm tại huyện A Lưới; tặng quà cho các Hội người mù; tặng quạt máy, máy lọc nước, trao học bổng, xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ sinh kế, xây dựng cầu dân sinh, tặng mũ bảo hiểm và áo mưa tại khóa tu; chia sẻ phần cơm và sữa đến bệnh nhân tại bệnh viện... Bên cạnh các Phật sự ấy, Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà luôn cùng nhau trách nhiệm phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, học đường; lối sống tiêu cực, mê tín dị đoan, tha hóa đạo lý luân thường trái với truyền thống của dân tộc; ý thức động viên xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị, hưởng ứng các phong trào ích nước lợi nhà, chủ nhật vì cộng đồng... không ngoài mục đích bảo đảm an toàn cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, vì tiến bộ xã hội!

Lạc Lạc