menu_open
Phỏng vấn chư Tôn đức Ban Tổ chức về Đại lễ Phật đản Vesak 2019
04/05/2019 9:34:07 CH
Xem cỡ chữ:
Tại Thừa Thiên Huế, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh sẽ tổ chức trang nghiêm trọng thể để kỷ niệm cúng dường ngày đản sanh Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, nguyện cầu Tổ quốc vinh quang, Đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Đặc biệt năm 2019 là năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức lần thứ 3 tại Việt Nam; xin gửi đến quý độc giả bài phỏng vấn chư Tôn đức Ban Tổ chức Đại lễ để hiểu rõ hơn về nội dung, hình thức và công tác tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak 2019 tại tỉnh nhà.
Phỏng vấn chư Tôn đức Ban Tổ chức về Đại lễ Phật đản Vesak 2019
Phỏng vấn chư Tôn đức Ban Tổ chức về Đại lễ Phật đản Vesak 2019
 
 
HT. THÍCH KHẾ CHƠN
Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN
Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Pl.2563
 
PV: Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng cho chúng con được biết một số hoạt động Phật sự nổi bật trong Đại lễ Phật đản Pl.2563-Dl.2019 diễn ra tại Thừa Thiên Huế?
 
HT. Thích Khế Chơn:
Như tất cả chúng ta đều biết, Đại lễ Phật đản tại Thừa Thiên Huế từ trước đến nay đều được tổ chức rất trọng thể từ ngày 08 đến 15 tháng 4 Âm lịch với nhiều hình thức cúng dường rất ý nghĩa. Đặc biệt năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc - Vesak Pl.2563 – Dl.2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam. Sau 16 lần Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc - Vesak được tổ chức tại các nước trên thế giới thì tại Việt Nam chúng ta, đây là lần thứ 3 được đăng cai tổ chức. Vì tầm mức quan trọng của Đại lễ nên tại tỉnh Thừa Thiên Huế, phụng hành theo Thông bạch chỉ đạo về việc tổ chức thống nhất trong 63 tỉnh thành khắp cả nước, Giáo hội tỉnh nhà sẽ tổ chức quy mô, với nhiều hoạt động mang tính hình thức và nội dung rất phong phú, đa dạng được diễn ra từ ngày 01 đến hết ngày 15 tháng 4 năm Kỷ Hợi. Năm nay, ngoài 2 lễ đài chính như hằng năm đã được thiết trí tại Tổ đình Từ Đàm và Diệu Đế Quốc tự để cử hành lễ Tắm Phật, lễ Rước Phật vào chiều 14, lễ chính thức cúng dường Phật đản vào lúc 6 giờ sáng 15.4 tại Từ Đàm. Nổi bật nhất năm nay, Giáo hội đã được quý cấp lãnh đạo Tỉnh và Thành phố chấp thuận cho Giáo hội Tỉnh nhà thiết lập thêm một lễ đài tại Nghinh Lương đình. Toàn thể Tăng Ni Phật tử các giới sẽ tập trung về lễ đài này vào lúc 19 giờ tối 12 tháng Tư năm Kỷ Hợi để long trọng cử hành Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc - Vesak 2019. Lễ cầu nguyện Quốc thái dân an, Vũ hội Lục cúng Hoa đăng dâng lên cúng dường Đức Phật. Trong buổi lễ này sẽ tuyên đọc Thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc gửi đến toàn thể Tăng Ni Phật tử trên khắp thế giới nhân dịp Đại lễ Phật đản - Vesak Pl.2563 – Dl.2019.
 
PV: Chuỗi các sự kiện Phật sự ý nghĩa diễn ra tại tỉnh nhà mang tinh thần cúng dường sâu sắc của người con Phật, điều đó được thể hiện như thế nào thưa Hòa thượng?
 
HT. Thích Khế Chơn:
Chuỗi các sự kiện Phật sự ý nghĩa diễn ra tại tỉnh nhà từ ngày 01 đến hết ngày 15 tháng 4 năm Kỷ Hợi mang tinh thần cúng dường sâu sắc của người con Phật từ hình thức nghi lễ cúng dường như thiết trí Lễ đài, tụng kinh bái sám, đốt hương dâng hoa, thắp sáng 7 hoa sen trên sông Hương, diễn giảng chánh pháp, tọa đàm trao đổi, triển lãm, văn nghệ, ẩm thực chay, từ thiện xã hội, đặt vòng hoa tưởng niệm, lễ Tắm Phật, lễ Rước Phật cầu nguyện Tổ quốc vinh quang, hòa bình thế giới, diễu hành xe hoa, phóng sanh đăng, cử hành lễ chính thức, tuyên đọc các thông điệp, diễn văn, bài giảng cho đến mọi hình thức treo cờ, thắp đèn, thiết lập hương án, cổng chào tại các Lễ đài, các chùa, tại các tư gia Phật tử cũng như khắp mọi nẻo đường từ thành thị cho đến nông thôn trong tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế chúng ta. 
Tất cả các Phật sự nói trên sẽ được tổ chức rất trọng thể và trang nghiêm gói trọn bằng tấm lòng thành kính, niềm tin vững chắc và sự biết ơn vô hạn của những người con Phật đối với một đấng Đạo sư Tối tôn chí kính đã điểm chỉ lộ trình tu thân hành thiện giác ngộ và giải thoát cho chúng ta. Qua những hình thức tổ chức sẽ diễn ra trong Đại lễ Phật đản cũng sẽ nói lên được lịch sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi đản sanh giữa vườn Lâm Tỳ Ni với 7 hoa sen mãn khai nâng gót chân Ngài trên miền đất tịnh, thành đạo dưới cội Bồ Đề sau những năm tháng đầy gian lao thử thách trên bước đường tìm đạo, tu đạo và đạt đạo, nhập Niết bàn giữa rừng Sala Song Thọ sau 49 năm vân du độ thế, hoằng truyền chánh pháp. Cùng với những tâm nguyện cúng dường của Tăng Ni Phật tử tại Tỉnh nhà đã mang một ý nghĩa sâu sắc, chính sự ra đời của Đức Phật trong mùa Trăng tròn tháng 4, Ngài đã mang thông điệp Từ Bi và Trí Tuệ đến cho vạn loại chúng sinh khắp năm châu bốn biển. Ngày này, Ngài đã đem lại tình thương cho chúng sanh, ánh sáng trí giác cho nhân loại, hạnh phúc cho mọi người và sự hòa bình an lạc cho toàn thế giới.
 
 
 
HT. THÍCH HUỆ PHƯỚC
UV HĐTS GHPGVN - Phó Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ
Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế
Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Pl.2563
 
PV: Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng cho chúng con được biết về công tác tổ chức Đại lễ Phật đản Pl.2563-Dl.2019 tại tỉnh nhà Thừa Thiên Huế?
 
HT. Thích Huệ Phước:
- Đại lễ Phật đản là sự kiện tâm linh thiêng liêng nhất đối với người con Phật xứ Huế. Năm nay, Lễ hội Tôn giáo của thế giới vì hòa bình diễn ra lần thứ 3 trên đất nước Việt Nam càng làm cho Phật giáo đồ hân hoan quy kính! 
- Phát huy truyền thống cao đẹp của Phật giáo Huế, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã tổ chức nhiều phiên họp để triển khai Thông Bạch số 031/TB-HĐTS ngày 14/02/2019 của Hội đồng Trị sự; thành lập Ban Tổ chức, thống nhất kế hoạch, ban hành Thông Tư số 051/2019/TT-BTS ngày 29/3/2019 về việc tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc Vesak 2019 - Phật lịch 2563 tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về nội dung: gồm các văn kiện như Thông điệp Phật đản Vesak của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và của Đức Pháp chủ GHPGVN, Diễn văn Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Bài giảng về ý nghĩa và chủ đề Đại lễ của Ban Hoằng pháp Trung ương; và biểu ngữ được sử dụng thống nhất theo Thông Bạch 031 của Trung ương Giáo hội.
Về hình thức: qua các mặt thiết trí lễ đài, biểu tượng Phật giáo, trang hoàng cờ đèn tại cơ sở tự viện, tư gia tín đồ Phật tử và nơi công cộng; tổ chức đoàn rước Phật, diễu hành xe hoa, thuyền hoa, phóng sanh đăng, ẩm thực chay; triển lãm, văn nghệ, tọa đàm, đặt vòng hoa tưởng niệm; thăm viếng tặng quà, từ thiện nhân đạo, cứu tế an sinh...
Về thời gian và chương trình: từ Mùng Một đến Rằm tháng 4 năm Kỷ Hợi (05/5 - 19/5/2019), nội dung chương trình được phân bố cụ thể từng ngày trải dài 2 tuần lễ qua các mặt sinh hoạt nêu trên.
- Thực hiện điều luật định, Ban Trị sự gửi Tờ trình số 050/2019/TTr-BTS ngày 29/3/2019 kèm theo Kế hoạch tổ chức Đại lễ Phật đản đến cơ quan chức năng. Ngày 25/4/2019, tại cuộc họp liên ngành do Ban Tôn giáo tỉnh tổ chức, các cơ quan hữu quan đã rất hoan hỷ đồng thuận yểm trợ tích cực cho công tác tổ chức Đại lễ Phật đản của Giáo hội, được thể hiện tại Công văn số 56/BTG-PNV ngày 26/4/2019 của Ban Tôn giáo tỉnh.
- Với niệm thành kính cúng dường Phật đản, bằng tinh thần đoàn kết hòa hợp, trách nhiệm của toàn thể Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà cùng những thuận duyên có được, công tác tổ chức Đại lễ Phật đản năm nay nhiều kỳ vọng khả quan. Từ những nghi thức, thiết kế mô hình các lễ đài cho đến việc đón tiếp quan khách lãnh đạo, đoàn thể quốc tế thăm chúc, tham dự; từ tiết mục văn nghệ, triển lãm, ẩm thực cho đến tọa đàm, thuyết giảng, từ thiện...; chương trình thăm viếng, tưởng niệm, diễu hành xe hoa, thuyền hoa, phóng sanh đăng, rước Phật cầu nguyện quốc thái dân an, hòa bình thế giới được chuẩn bị chu đáo, suôn sẻ, an tâm. Đặc biệt Lễ đài tại Nghinh Lương đình, nơi diễn ra 3 sự kiện với 3 thời điểm khác nhau: 1) thắp sáng 7 hoa sen trên sông Hương vào tối Mùng Một tháng Tư, 2) nghi lễ truyền thống kết hợp vũ hội Lục cúng hoa đăng vào tối 12 tháng Tư, và 3) khai mạc xe hoa, thuyền hoa, biểu diễn văn nghệ tối 13 tháng Tư sẽ là điểm nhấn quan trọng của Đại lễ.
 
PV: Được biết, năm nay là lần thứ 3 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (tỉnh Hà Nam), xin Hòa thượng cho biết về sự chuẩn bị của Đoàn Đại biểu Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT. Huế tham gia sự kiện Phật sự quan trọng này?
 
HT. Thích Huệ Phước:
- Hòa trong không khí hân hoan của cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới, vinh dự lần thứ 3 nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, thực hiện Thông Báo số 034 và Thông Bạch số 036 ngày 20/02/2019 của Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự tỉnh thành tâm cúng dường 300 triệu đồng và thành lập Đoàn đại biểu đúng số lượng quy định 20 vị gồm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tham dự Đại lễ Phật đản Vesak 2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ngoài ra, còn có 5 đại biểu của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, 1 đại biểu của Ban Hoằng pháp Trung ương và 1 đại biểu của Phân Ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương. Tổng cộng Đoàn đại biểu Phật giáo Huế có 27 vị.
- Một số vị được Trung ương Giáo hội cơ cấu mời vào Ban Tổ chức phụ trách về lãnh vực chuyên môn như lễ tân, triển lãm, văn nghệ, hội thảo, thuyết giảng, nghi lễ...
- Đoàn đại biểu Phật giáo Huế hưởng ứng và tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc Vesak 2019 tại tỉnh Hà Nam, bám sát chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, theo dõi nắm bắt nội dung qua những sự kiện, hoạt động trong suốt thời gian 3 ngày chương trình Đại lễ; quyết tâm đóng góp phần mình cho 9 mục tiêu, yêu cầu của Đại lễ Vesak lần này; thể hiện năng lực và trách nhiệm chia sẻ của Phật giáo Huế trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng./.
 
Phương tiện: 0
Xuất phát: 35
Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh TT. Huế