Trả lời câu hỏi này không phải là việc khó khăn lắm, song hơi dài. Bởi vì để cho đầy đủ bầu khí thay đổi một ngôi chùa từ cổ kính, vụ tính chất thấp bé của truyền thống tại một ngọn đồi đã nổi danh với Thiền Lâm Tế của ngài Minh Hoằng Tử Dung xa xưa sang một ngôi chùa làm “Chùa Hội quán” .
Kiến trúc và phong cảnh của chùa Từ Đàm như hiện nay có từ bao giờ? Vì sao một ngôi chùa ở xứ Thuận Hóa có truyền thống Phật giáo lại có cách kiến trúc và thờ tự khác lạ với các chùa khác như ta đang thấy? Trả lời câu hỏi này không phải là việc khó khăn lắm, song hơi dài. Bởi vì để cho đầy đủ bầu khí thay đổi một ngôi chùa từ cổ kính, vụ tính chất thấp bé của truyền thống tại một ngọn đồi đã nổi danh với Thiền Lâm Tế của ngài Minh Hoằng Tử Dung xa xưa sang một ngôi chùa làm “Chùa Hội quán” .Tỉnh hội thuộc về Tịnh Độ tông phải cần có cả một quá trình lịch sử, nói theo danh từ Phật giáo là phải có cơ duyên. Cơ duyên ở đây có hai : Nội duyên và ngoại duyên.
- Nội duyên là chính Phật giáo. Kể từ thời Tự Đức mà kéo dài mãi cho đến giữa thời Bảo Đại, Phật giáo Thuận Hóa nói riêng cơ hồ đi vào sự đình đốn suy vi. Pháp sư Mật Thể đã dành đến hai trang sách trong Việt Nam Phật giáo Sử lược để nói về tình trạng đồi phế của sự tin Phật về phía dân chúng và sự suy đốn về phía Tăng già trong giai đoạn này. Và Pháp sư đã kết luận: “Ôi! Tinh thần Phật giáo đến đây hầu đã tuyệt diệt...”, và “Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, ta có thể đánh vào đây một dấu than (!) rất tỏ tường”1
Nhưng, quy luật vận hành trong vũ trụ không bao giờ đi đến cực âm mà không nảy sinh một yếu tố dương... và ngược lại. Yếu tố dương ở đây chính là ngoại duyên trợ lực cho tinh tuý Phật giáo còn le lói sắp tắt lại bừng sáng dần lên...
- Ngoại duyên ấy chính là sự phục hưng Phật giáo của Trung Quốc và có lẽ của cả Ấn Độ. Kể từ thời ngài Yang Jen Shan (1837 - 1911) Phật giáo Trung Hoa đã đi vào con đường chấn hưng rồi. Ngài là người tiên phong trong việc nghiên cứu Phật giáo thời hiện đại. Để đào tạo hàng học giả Phật tử và để quảng bá rộng rãi kinh sách Phật giáo cho thích hợp và thỏa mãn hàng học Tăng Phật giáo, ngài đã dùng nhiều thập niên để thuyết pháp và để khắc những bản gỗ cho việc in kinh sách Phật giáo. Hội ấn hành kinh sách Phật giáo Ching - Ling (The Ching - Ling Buddhist Text Society) đã được ngài thành lập, ấn hành một số tác phẩm mà ở Trung Quốc đã bị mất từ lâu, và lúc đó đã được tìm trở lại từ Nhật Bản về. Và do vậy mà có phong trào nghiên cứu tu học trường phái Dharmalaksana2 rầm rộ ở Trung Quốc. Dưới ảnh hưởng của ngài Dang Jen Shan thì nổi bật lên có ngài Qu yang Ching Wu. Ngài này đã sáng lập ra Trung Quốc Nội học viện ở Nam Kinh, về sau trở thành một trung tâm nghiên cứu Phật học. Ở miền bắc Trung Quốc có ngài Han Ching- Chin ở Shan-Shih Phật học Viện (The Shan Shih Buddist Institute). Ngài cũng nổi tiếng không kém gì ngài Qu yang Ching Wu. Tiếp theo sau đó thì có Đại sư Yuch-Hsia, Đại sư Ti-Hsien, Đại sư Yin-Kuang, Đại sư Hong-Yi và rất nhiều ngài khác nữa. Các ngài đã truyền bá Duy thức tông3, Thiên Thai tông, Tịnh Độ tông và Luật tông một cách riêng rẽ, nhưng đều góp chung phần phục hưng Phật giáo Trung Quốc. Đặc biệt là Đại sư Thái Hư, viên tịch khoảng năm 1942, người đã hiến hết đời mình, tận lực vận động phục hưng Phật giáo Trung Quốc, khích lệ việc đào tạo Tăng tài. Ngài là một nhà hoạt động Phật giáo rất uyên bác4 đã từng đặt chân lên đất Việt Nam, đã từng qua Pháp diễn thuyết và lập Hội Nghiên cứu Phật giáo ở Pháp, ngài đã từng viết giấy đòi Bà-la-môn giáo Ấn Độ trả Bồ-đề Đạo Tràng cho Phật giáo. Hiện nay ở nhiều chùa tại Huế còn có bộ Thái Hư toàn tập và chân dung của Ngài.
Tất cả đều có tác động mạnh đến Phật giáo Việt Nam. Cho nên từ những năm 1920, sự chấn hưng Phật giáo Trung Hoa đã ảnh hưởng đến cả ba miền Việt Nam. Tuy gặp biết bao nhiêu trở ngại, song những trở ngại này đã không ngăn được đà tiến đã chín muồi trong môi trường. Cho nên vào năm 1931 thì đã có Nam Kỳ nghiên cứu Phật học Hội ra đời, đó là Hội nghiên cứu Phật học đầu tiên ở Việt Nam thời hiện đại. Rồi một hội tương tự đã được khai sinh ở Huế, đó là An Nam Phật học hội 1932, và đến năm 1934 thì có bắc Kỳ Phật giáo Tổng hội cùng xuất hiện, mặc dù lúc đó, các Hội còn hoạt động với chương trình riêng biệt, nhưng trong lòng các Hội này đều gồm có một số Tăng sĩ và Cư sĩ có tâm huyết, có nhiệt tình, muốn cho Phật giáo nước nhà đi ra khỏi sự đình trệ suy vong. Tất cả đều nhắm vào phục hưng giới luật, đào tạo một thế hệ Tăng sĩ tài ba, có đạo đức và có đủ học vấn, cải thiện, trong lành hóa các tu viện, chùa chiền trong cách thờ tự, cúng bái và tụng niệm và cuối cùng là phổ biến giáo lý nhà Phật bằng chữ quốc ngữ chứ không nhờ vào Hán văn nữa. Do đó việc truyền bá đạo Phật đã lan khắp từ thành thị đến nông thôn, đến cả giới trẻ có học thức. Trong viễn tượng đó thì rất nhiều tạp chí và bản dịch, giải kinh Phật đã được ra đời kể cả Theravada cũng như Mahayana. Nhưng, nghịch lý thay, trong không khí chấn hưng đó, thì Thiền tông chỉ còn ảnh hưởng mờ nhạt và chính Tịnh độ tông đã thay thế và còn mãi cho đến tận ngày nay.
Phong trào chấn hưng Phật giáoViệt Nam khoảng tiền bán thế kỷ này đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Những chủ trương mới mẻ nói trên đã lan mạnh đến trong một phần của tầng lớp thượng lưu trí thức hồi đó của xứ sở là hạng người đã từng nhận được nền học vấn theo chủ nghĩa duy khoa học vật chất phương Tây. Thành phần này cũng gia nhập phong trào bằng sự đóng góp tiền bạc cũng như sự cộng tác trực tiếp vào nỗ lực chấn hưng về phương diện phổ thông hóa giáo pháp đạo Phật.
Tại Huế, An Nam Phật học Hội thành lập vào năm 1932, tên tiếng Pháp của Hội là Société d’Etude et d’Exercice de la Religion Bouddhisme de I’Annam, viết tắt là SEERBA, Hội quán của hội đặt tại Huế. Hội do các vị cao Tăng thạc đức như ngài Phước Huệ ở chùa Thập Tháp Bình Định, các vị Tăng Cang, trú trì như ngài Giác Tiên, ngài Giác Nhiên, ngài Tịnh Hạnh, ngài Tịnh khiết... đều có tham gia trong việc sáng lập Hội. Về phía Cư sĩ thì rất đông đảo nhiều người có tâm đạo, có nhiệt huyết tham gia và gồm đủ các thành phần: Hạng cựu quan lại Nam triều đã hồi hưu như cụ Nguyễn Khoa Tân, hoặc đương chức như cụ Thái tử Thiếu Bảo Nguyễn Đình Hòa, cụ Ưng Bàng v.v... các nhà Tây học thì đặc biệt có bác sĩ Lê Đình Thám, y sĩ quản đốc Lao viện Pierre Pasquier tại Huế, bác sĩ Trương Xướng, họa sĩ Mai Trang Nguyễn Khoa Toàn, ông Nguyễn Hữu Tuân, ông Cao Xuân Huy; có rất nhiều phụ nữ mà đặc biệt là bà Cao Xuân Sang đều là những sáng lập hội viên hoạt động rất tích cực. Đặc biệt hơn nữa là Hội đã được hai đại Nho gia: Mính Viên (Mính Viên có nghĩa là vườn chè non; chứ có nơi viết Minh Viên là sai) Huỳnh Thúc Kháng5 và Sào Nam Phan Bội Châu6 khích lệ cổ vũ rất mạnh. Hội do toàn cư sĩ đảm trách và bầu Ban Trị sự từng năm một. Các ngài trong Tăng già chuyên trách về giáo pháp và chứng minh Đạo sư cố vấn đạo hạnh cho hội viên. Hội mới lập không có trụ sở, lúc thì hoạt động ở chùa Trúc Lâm, chùa Từ Quang, lúc thì về chùa Diệu Đế. Hội cũng được vua Bảo Đại và các bà trong nội cung nhận làm hội viên danh dự, cho hai mẫu đất gần Cung An Định để làm chùa Hội Quán. Đã có đồ án hình vẽ ngôi chùa Tỉnh hội đăng trên báo Viên Âm, nhưng sau không biết vì sao Hội không làm được, và Hội đã được chư Sơn môn đồng thuận giao chùa Từ Đàm cho Hội để làm nơi phụng thờ và hoằng pháp theo đường hướng chấn hưng Phật giáo của Hội. Sự kiện lịch sử này xảy ra vào khoảng từ năm 1936 đến 1938.
Ngày 18 Décembre 1938, tỉnh Hội Phật học Thừa Thiên đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây chùa Hội quán tại nền cũ chùa Từ Đàm, đường Nam Giao Huế. Ngày lễ cử hành việc đặt đá này được tổ chức rất long trọng tại nền đặt đá và trong Giảng đường tức là ngôi nhà trệt ở khoảng vườn trước nhà Tổ hiện nay - đều có trần thiết nghi vệ, bàn Phật, lọng, đèn treo rất rực rỡ. Số Hội viên đến dự rất đông và thời đó đã có năm khuôn Tịnh độ là: khuôn Bến Ngự, khuôn Phường Đúc, khuôn Cầu Đất, khuôn Diệu Đế, khuôn Đập Đá hiện diện. Bên phía chính quyền có ông phủ Doãn phủ Thừa Thiên Đặng Thành Đôn, danh dự Hội trưởng và nhiều quan viên đến dự. Chương trình hành lễ suốt cả ngày 27 - 10 năm Bảo Đại thứ 13 tức là ngày 18 Décembre 1938. Từ lúc 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng quan trọng nhất là lúc 10 giờ 30 sáng, giờ làm lễ đặt đá tại nền chùa. Chúng tôi xin ghi lại một đoạn chương trình lúc hành lễ đặt đá, theo báo Viên Âm như sau:
- Hòa Thượng Tăng cang Linh Mụ8 chứng minh toàn kỳ niệm hương.
- Ông Hội trưởng và Chánh phó ban trưởng ban Kiến trúc đảnh lễ trước án.
- Thầy Cố vấn đạo hạnh9 Tỉnh hội chủ sám.
- Toàn thể Tăng già trì Phổ Am nhiễu đàn (trì Phổ Am xong đồng đứng trước án mật niệm).
- Toàn thể Hội viên và học sinh các trường hộ niệm (nam hội viên và nam học sinh bên tả, nữ hội viên và nữ học sinh bên hữu).
- Ông Chánh Hội trưởng10 tuyên đọc biên bản đặt đá.
- Ban Trị sự, Ban kiến trúc ký biên bản đặt đá.
- Quan địa phương và một Thầy đại diện chư Sơn đứng chứng ký. Toàn Hội tụng Tam Tự Quy11
Qua đoạn chương trình này, ta thấy viên đá đầu tiên được đặt xuống nền Từ Đàm cũ để làm chùa Từ Đàm như hiện nay đang thấy, đã do ba người cùng thực hiện: Hòa Thượng Như Đông Đắc Quang, Tăng cang chùa Linh Mụ, vừa chứng minh vừa đại diện cho Tăng- già, Bác sĩ Lê Đình Thám Chánh hội trưởng của An Nam Phật học Hội Thừa Thiên và về phía chính quyền thì có ông Phủ doãn Đặng Thành Đôn.
Như vậy chính trong giờ phút này, Thiền tông đã đi về núi Thiên Thai với Thuyền Tôn Tự và đã nhường Ấn Tôn Tự tức là chùa Từ Đàm lại cho Tịnh độ tông. Và sau khi chùa Từ Đàm trở thành chùa Hội quán của An Nam Phật học Hội thì tất cả dấu tích Ấn Tôn Tự của Thiền Lâm Tế đều bị tiêu sạch theo thời gian, chỉ còn lại một tượng Phật ngồi bằng đồng cao 0m7 (năm 1958 đã cho khuôn hội Tây Vân thỉnh về tại niệm Phật đường ), hai bức liễn để tên chùa Ấn Tôn Tự và Từ Đàm Tự và một cái chuông đồng thời Gia Long mà chúng tôi đã thuật ở trên. Cũng chính trong đoạn chương trình hành lễ đặt đá chùa tỉnh Hội, ta thấy cái cũ và cái mới giao theo rất rõ ràng.
Vì đó là nét kiến trúc đặc thù của chùa Từ Đàm hiện nay là: Nằm trong bối cảnh chùa Huế, nhưng chùa đã không được kiến trúc theo lối hình CHỮ KHẨU, hình CHỮ PHẨM hoặc là hình CHỮ NHẤT, chùa cũng không có mái cong và thấp. Chùa Từ Đàm theo đồ án 1938 này được kiến trúc theo một hình đặc biệt, nếu đứng trong bàn thờ Phật nhìn ra thì chùa có hình chữ T quốc ngữ, biểu thị chữ đầu của Từ Đàm. Về sau, cọng thêm các kiến trúc khác nữa thì chùa Từ Đàm hiện giờ có hai phần rõ ràng: Phần ngi chùa và các nhà cửa thuộc chùa và phần giảng đường với các nhà làm việc của tỉnh Giáo hội.
Phần thứ nhất là ngôi chùa Từ Đàm. Ngôi chùa có một nhà tiền đường mà đứng bên trong nhìn lên trên thấy có ba vòng cung đúc bê-tông mái ngói ba gian của ngôi nhà dọc không trụ, rộng 7,4m dài 18m, hai bên có 6 cửa sổ rất lớn đúc hoa văn, dưới nền lót đá caro trình bày hình vuông không đều đặn. Phía bên trong cùng, ở trên cao là bàn thờ chỉ thờ tượng đức Thích Ca thuyết pháp bằng đồng. Hai bên treo hai tràng phan thật lớn, một bên để danh hiệu bảy đức Phật ở Ta bà, một bên để bảy danh hiệu đức Phật ở Tịnh độ. Trên vòng cung trước bàn thờ có treo tấm hoành sơn son thiếp vàng, giữa có ba chữ Hán (Ấn Tôn Tự), phía phải ba chữ này khắc ấn hình thuẫn, phía trái có hai ấn hình vuông với mấy chữ “Thiên vận Quý mùi (1703) sơ xuân cát đán”. Đây là một dấu tích còn của Ấn Tôn Tự, được khai sơn 1693 trước đó. Song song hai bên, dưới bức hoành Ấn Tôn Tự có hai vế câu đối sơn son thiếp vàng của Thái tử Thiếu Bảo Cần chánh điện Đại học sĩ Bố Chánh thần Tri sứ đồng Nguyên lão quan Công bộ Tôn Thất Hân hiến cúng:
Dương bình cam lộ, nhất sái biến trần gian, tam thiên giới ngoại phổ từ bi, tẩy tận phiền căn, mạn-đà tác vũ.
Liên tòa hương hoa, thập phương y Tịnh độ, bách bát thanh trung hô túy mộng, thính lai thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu.
(Cam lộ trong tịnh bình, một giọt khắp trần gian, từ bi rãi khắp trong ba ngàn thế giới, rửa sạch căn ưu phiền, làm mưa hoa mạn-đà.
Hương hoa ở tòa sen, mười phương nương Tịnh độ, một trăm lẻ tám tiếng hiệu Phật kêu tỉnh người say, trở về nghe pháp, đá cục cũng gật đầu.)
揚瓶甘露一灑遍塵間三千界外普慈悲洗盡煩根曼陀作雨
蓮座香花十方依淨土百八聲中呼醉夢聽來說法頑石點頭
Trên vách đá phía trong tiền đường nhìn vào đối diện với bức hoành Ấn Tôn Tự có treo bức hoành chạm nổi sơn đen giữa đề bốn chữ: “Huệ nhật trung thiên”. Ngoài ra xung quanh bên trong không còn trang trí gì thêm. Nhưng đứng ngoài nhìn vào thì trên nóc vẫn kiến trúc theo truyền thống, hai bên có hai con rồng lượn quay đầu lại để chầu một mặt rồng chính giữa đội một Pháp luân. Tất cả đều nằm trên đường tàu nóc có những chữ phù. Mái lợp ngói âm dương và mái nhà được kiến trúc theo lối trùng thiền hay cũng gọi là “trùng lương”. Một lối kiến trúc đặc biệt của Huế mà ngoài Bắc hay trong Nam đều không có, các góc cù giao mái trên được trang trí với hình con rùa. Dưới mái trùng thiền (hay trùng diêm) có chia thành năm khung, khung giữa rộng đắp nổi hình Phật chuyển Pháp luân lần đầu tại vườn Lộc Uyển.
Bốn khung kia đắp nổi hình sự tích Phật. Mái dưới cũng lợp ngói âm dương, bốn cù giao có bốn con chim phượng hoàng chân bước xuống nhưng lại ngẩng đầu nhìn lên rất mỹ thuật. Tất cả đều có khảm mảnh sứ lấp lánh. Phần tiền đường có sáu cột trụ vuông đế trụ là cánh sen nở, tạo thành năm khoảng. Bên trên có chạy một đường hồi văn chữ Vạn rộng, khung chính giữa có bốn chữ Hán “Việt Nam Phật học” đó là khoảng trống vào thiền đường. Hai bên thì bên trên vẫn có đường khối văn chữ Vạn nhưng bên dưới có thành xây bít và có chậu hoa nên nhìn tưởng như có năm cửa mà thật thì chỉ có ba khoảng chính giữa là cửa mà thôi. Sáu cột trụ đều có sáu vế của ba câu đối viết bằng chữ Hán. Câu chính giữa có hai vế12 :
Phật chính biến tri, vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức.
Học chân thật nghĩa, như thị văn, như thị tư, như thị tu trì.
(佛正遍知無量壽無量光無量功德
學真實義如是聞如是思如是修持)
Hai chữ đầu câu đối ghép lại thành hai chữ “Phật học”. Hai chữ này rất có ý nghĩa vì đây là Phật học chứ không phải là Phật giáo... hai trụ tiếp theo là hai vế đối của câu13 :
Tùy trần trục ảnh ngã pháp hoạnh sanh, mê lưu cứu cánh vọng thành tham sân si mạng hữu lậu nghiệp.
Tuyệt tướng triền căn tự tha bất cách, giác tính bổn lai cụ túc từ bi hỷ xả vô lượng tâm.
隨塵逐影我法橫生迷流究竟妄成貪瞋癡慢有漏業
絕相旋根自他不隔覺性本來具足慈悲喜舍無量心
Hai câu đối này là của bác sĩ Lê Đình Thám .
Hai trụ ngoài hết là hai vế của câu đối do cụ Sào Nam Phan Bội Châu tặng Hội14:
Nghiệp duyên bình hiệp, niên niên bạch phát thôi, đối diện tức không, ninh bả thiêu hoa phó lưu thuỷ.
(業緣萍合,年年白髮崔,對面即 寧把韶花付流水)
Thế sự kỳ phân, xứ xứ hoàng lưu mộng, hồi đầu thị ngạn, nguyên phiên bối diệp xuất ưu đàm.
(世事棋分,處處黃梁夢,回頭是岸,願翻貝葉出優曇).
Đứng trong nhìn ra thì phía tay trái là lầu chuông và phía tay phải là lầu trống. Trong lầu chuông treo một cái chuông thật lớn mới được chú tạo vào năm 1971 (chuông cũ thời Gia Long hiện được chùa bảo quản) song cách trình bày cũng không khác truyền thống bao nhiêu. Tuy không có tiếng ngân vọng như chuông xưa chùa Thiên Mụ, song tiếng chuông Từ Đàm cũng đã có âm thanh đặc biệt. Lầu chuông và lầu trống được nối với tiền đường bằng một hành lang nhỏ, và tiền đường dài đến 18m50, có 7 bậc tam cấp láng bằng xi-măng, bởi vì chùa Từ Đàm tuy đã cao đến 10m song lại được kiến trúc trên một nền đá hoa cương cao đến 1m50 cho nên phải lên nhiều bậc tam cấp mới đến nền chùa.
Phần tiền đường này không có cửa. Chỉ trước chính điện mới có ba cửa để vào Điện Phật. Cửa chính giữa rộng bốn cánh, mỗi cửa hai bên chỉ có hai cánh. Cửa được trang trí theo kiểu mới hoàn toàn. Tuy được đóng bằng thứ gỗ quý rất cứng, nhưng phần hoa văn bằng sắt để lồng kính lại chiếm phần dài hơn bằng gỗ ở bên dưới. Mỗi cánh ở cửa giữa có một chữ Hán viết lối triện đúc bằng đồng rất đẹp. Khi đóng cửa thì người ta đọc được cả bốn chữ “Thường lạc ngã tịnh”, cửa bên tay phải có hai chữ “Từ bi”, cửa bên trái có hai chữ “Hỷ xả”. Bên trên cả ba cửa lại có khung chữ nhật chỉ trình bày hoa văn, cốt vụ lấy sự sáng sủa. Trên khung hoa văn cửa giữa treo tấm biển lớn nền đỏ chữ vàng “Thừa Thiên Tỉnh Hội”. Bên tay phải có niên đại Tân tỵ trọng xuân (1941), bên tay trái là hàng chữ “Phật lịch nhị thiên ngũ bách tứ niên”, bên dưới bức hoành có hàng chữ “Ninh Thuận tỉnh Phật học Hội cúng dường”.
Như thế, ở Từ Đàm đã không thờ tượng Tam Thế mà chỉ thờ độc tôn Đức Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích-ca-mâu-ni Phật đang thuyết pháp. Pho tượng cao khoảng 1m30. Đây là một công trình đặc biệt của nhà họa sĩ kiêm điêu khắc gia Mai Trang Nguyễn Khoa Toàn thực hiện vì tự tay ông nấn cốt tượng và do ông Nguyễn Hữu Tuân đúc tượng. Lễ rót đồng khởi sự vào lúc 8 giờ sáng ngày 15 tháng 7 Âm lịch năm Canh Thìn tức là ngày ...tháng 6 năm 1940 tại chùa Từ Đàm. Pho tượng ngự trên một tòa sen, và dưới một long đỉnh sơn son thiếp vàng rực rỡ, không cần đến tọa lung. Tòa sen này cũng là một công trình mỹ thuật đặc biệt rất đáng mến. Nét mặt của pho tượng là nét mặt của một “Đức Phật Việt Nam”, không mang sắc thái Trung Hoa hay Ấn Độ.
Sát bên phải chùa có một ngôi nhà ba gian để thờ Tổ phía trên và bên trong cửa chính treo bức hoành có ba chữ “Từ Đàm Tự” lạc khoản đề Thiệu Trị nguyên niên tam nguyệt, nhằm vào năm Tân Sửu (1841), gian giữa là bàn thờ Tổ, trên bàn có 5 long vị . Long vị Ngài Minh Hoằng Tử Dung đặt chính giữa. Sát bên trái chùa có dãy nhà Thiền, nhà Tăng dài 24m song song theo chiều dọc với chùa, làm nơi cư trú của vị trú trì và Tăng chúng được xây dựng năm 1961. Trước mặt nhà Thiền có bồn hoa, giữa bồn hoa có trụ dựng tượng bán thân bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám bằng đá cẩm thạch trắng. Bác sĩ là một cư sĩ có lòng tin thanh tịnh uyên thâm cả Phật học và thế học, đã có công lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo miền Trung vào giai đoạn đầu những năm 1931- 1945. Trước tượng có hồ sen. Tiếp theo nhà Tăng là một dãy nhà giảng dài 18m rộng 10m hai tầng, tầng trên làm hội trường diễn giảng sinh hoạt đạo giáo, mặt ngó ra sân chùa; tầng dưới làm văn phòng của Giáo hội tỉnh, mặt ngó ra đường cái. Nếu đứng ở sân chùa nhìn thấy một tầng, mà đứng ở đường cái nhìn thì thấy hai tầng. Hai gian hai bên có thiết bàn thờ linh các thầy hội viên Phật tử quá cố.
Nguyên trước đây, vào năm 1938 nhà giảng này là dãy nhà trệt nằm ở phía Tây, trước nhà Tổ có chiều dài 20m, rộng 10m, nhưng vào năm 1960, tỉnh Giáo hội đã đưa ngôi nhà giảng này về vị trí hiện nay, để đáp ứng cho sự phát triển ngày một đông đảo hơn.
Cổng Tam quan chùa Từ Đàm tuy mới kiến tạo vào năm 1965, cũng là một kiến trúc có tính cách văn hóa Đông phương, ngày nay phía trước cổng có đề 3 chữ “Chùa Từ Đàm” mà ai cũng đọc được và biết ngay đây là chùa Từ Đàm.
Phía trong Tam quan có một điều có thể nói là rất đặc biệt. Đó là gốc Bồ-đề gần như là tinh túy của đạo Phật. Tại Ấn Độ ngày xưa có tục thờ đá và thờ cây, nhất là dưới cácdgốc cây to lớn, họ thường tin rằng có Thần nhân ở đó. Trong các sách về Ấn Độ giáo, kể cả sách về sự tích đức Phật, rất nhiều ví dụ về việc thực hiện thờ cây này. Nàng thục nữ Sujata định đem bát sữa cúng thần cây và thấy Phật ngồi dưới gốc cây, nàng tưởng là vị thần đó hiện thân, nên đã cúng bát cháo sữa, Phật thọ nhận và trở lại mạnh khoẻ để tiếp tục đi về núi Gayasirsa, mà Hán dịch là Tượng Đầu sơn, và với nắm cỏ Kusa, thường gọi là cỏ vô ưu, Ngài đã làm tọa cụ để ngồi thiền định dưới một gốc cây mà tiếng Sanskrit gọi là Asavattha (pali: Asavattha) người Pháp dịch là “L’arbre de Pippal” và dịch nghĩa là “figuier des pagodes”. Theo nhà điển chế danh từ khoa học Linnée thì cây này thuộc về họ Ficus religiosa một cây thuộc về họ cây sung15. Người Anh thường dùng chữ “The sacred Bodhi Tree” hay “Bo Tree” hay “The tree of Wisdom” để nói về cây Bồ-đề. Chỗ có cây Asavattha mà Phật đã thành đạo khi ngồi dưới gốc cây đó, về sau được gọi là Buddha Gaya và cây Asavattha được gọi là cây Boddhi cũng từ đó. Đặc biệt của cây này là lá rất mỏng, có đuôi nhọn, nhìn lâu, xung quanh lá như có vành ánh sáng tỏa ra theo rìa cạnh ngọn lá. Cũng từ đó, vào buổi đầu, người ta lấy hình lá Bồ-đề này để tượng trưng Phật thành đạo.
Vào thời vua Asoka đã có hai sự kiện lớn xảy ra đối với cây Bồ-đề ở Boddhi Gaya. Vua vốn là một người rất hiếu chiến, nhưng sau một trận đánh lớn và tàn sát hơn 10 ngàn nhân mạng thì vua tỉnh ngộ và quy y theo Phật giáo. Vua nguyện đem hết quãng đời còn lại của mình để hộ trì Phật pháp. Do đó vua đã gửi nhiều đoàn truyền giáo ra ngoại quốc để truyền bá ánh đạo vàng. Đoàn đi ngang qua Gaylen, hiện nay là Srilanka, do đại đức Mahinda, con trai duy nhất của vua cầm đầu đã truyền Phật giáo vào đảo quốc này ; đồng thời tục truyền rằng, chính con gái của vua là Sanghamitra đã mang một cành của cây Bồ-đề ở Bodh-Gaya sang trồng tại thủ đô nước này là thành Amuradhapura, mà hiện nay hậu duệ của cây đó ta vẫn còn thấy ở chỗ cũ. Sự kiện thứ hai là Hoàng hậu Tin-hyarakhahita giận vua quá chăm sóc cây Bồ-đề thiêng mà lơ là tình nghĩa chồng vợ cho nên bà ta đã tìm cách làm cho cây Bồ-đề này chết, xong may mắn vua Asoka đã kịp cứu cho cây sống lại được. Mãi đến năm 600 sau Tây lịch một ông vua xứ Bengalra đã đốn ngã để tiêu diệt cây, nhưng lại có một vị vua xứ Magadha là Pusasyaam đã lấy một cành cây mẹ bị đốn mà trồng lại chỗ cũ, cây lớn mạnh tỏa cành sum sê. Trận bão lớn vào năm 1870 đã làm cho gốc cây này ngã đổ. Năm 1880, cây còn sót lại đã lớn lên, nhưng rồi lại bị ngã và được người ta trồng lại. Lần này được trồng hai cây gần nhau. Như thế, cây hiện ta đang thấy ở Bodh-Gaya chỉ mới trồng hơn 100 năm nay.
Gốc Bồ-đề hiện trồng ở chùa Từ Đàm có hình dáng rất đẹp, lá có đuôi rất nhọn, chứng tỏ đây là cây Bồ-đề có nguồn gốc từ Ấn Độ hoặc từ Srilanka sang. Hiện có hai thuyết về cây Bồ-đề này:
- Một thuyết cho rằng cây đã được Đại đức Maha Narada, một vị Sư rất quen thuộc với xứ Đông Dương trước đây, chiết từ cây Bồ-đề ở Srilanka sang tặng An Nam Phật học Hội và chính tay Ngài đã trồng vào năm 1936 (?) hoặc 1938 (?)
- Một thuyết khác cho rằng chính bà Supanna Karpelè, người Pháp, nhưng là tổng thư ký Phật học Viện Phnompenh, Cao Mên, lấy từ chính gốc Bồ-đề ở Bodh-Gaya đem sang trồng vào năm 1938 (?), 1939 (?). Chúng tôi đã sưu khảo tất cả các số báo Viên Âm, cơ quan hoằng pháp của An Nam Phật học Hội vào các năm 1936, 1938, 1939 đều không thấy nói đến sự kiện lịch sử này, ngược lại, chúng tôi chỉ gặp được hai sự kiện sau đây: vào năm 1938, ngài Narada, người Tích Lan tức là Srilanka hiện nay, có đem từ Ấn Độ sang Đông Dương một cây Bồ-đề nhưng Ngài đã tặng cho Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Hội này đã thọ lãnh và trồng trước chùa Linh Sơn là Hội quán của Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học Hội ở số 149 đường Dousumont vào thời đó 17. Sự kiện thứ hai là vào ngày 24 và 25 tháng giêng 1939, An Nam Phật học Hội ở Huế có tiếp đón: “Vào hồi 12 giờ khuya 24 - 1939 tại ga Huế. Bà Suzanne Kerpelès, Ngài Đại đức Hòa thượng Narada ở Tích Lan (sic) sang, hai vị thượng thủ và một cư sĩ Cao Mên ở Phnompenh đến. Phái bộ này nhân sang dự Hội nghị Phật giáo tại thành Louang Prabang, trong khi đi ngang qua Trung Kỳ muốn giao tiếp cùng Hội. Phái đoàn An Nam Phật học Hội ra ga đón có hai vị Tăng già mang y hậu chỉnh tề. Bà Cao Xuân Sang, các ông Lê Đình thám, Trần Đăng Khoa... Sáng ngày 25 tháng 01 lúc 8 giờ, phái bộ được ba hội viên trên dẫn vào cung xem Điện Cần Chánh, Điện Thái Hòa, Ngọ Môn; xem chùa Bảo Quốc và tiểu học Tăng trường. Ngài Narada trì niệm một bài kệ bằng Phạm Âm để đáp lễ... rồi phái bộ được đãi tiệc chay ở Hội quán Từ Đàm; đi thăm tháp Ngài Nguyên Thiều, thăm Phật học Ni trường do bà Diệu Hương làm Đốc giáo. Hai lần Ngài Narada thuyết pháp bằng tiếng Anh, bà Karpelès nói lại bằng tiếng Pháp, ông Trần Đăng Khoa và ông Lê Đình Thám nói lại bằng tiếng Việt cho công chúng Hội viên nghe “Trước khi đi Vinh, Ngài Narada có gởi dâng lên đức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu một quyển kinh, một bức tượng (có đề phụng hiến) và một lá Bồ-đề đã lấy ngay ở cây Phật tọa. Ngài lại tặng cho hội viên nhiều ảnh tượng rất đẹp và các tỉnh hội mỗi nơi một ngọn lá Bồ-đề”18.
Điều này rõ ràng là không có việc Ngài Maha Thera Narada hoặc Bà Suzanne Karpelès trồng cây Bồ-đề ở chùa Từ Đàm trong khoảng 1936 đến 1939. Tuy hiện nay tài liệu chính xác chưa tìm ra được. Nhưng dù từ đâu thì chùa Từ Đàm vẫn là nơi rất thiêng của xứ Huế đã được đón nhận một gốc Bồ-đề có cội nguồn từ thời Đức Phật tại thế truyền sang và cây Bồ-đề ở chùa Từ Đàm hiện nay vẫn là một hình ảnh rất đẹp của Phật giáo Việt Nam...
Trở lại lịch sử như thế kỷ từ năm 1938 trở đi chùa Từ Đàm là nơi sinh hoạt hoằng pháp của An Nam Phật học Hội theo đường hướng chấn hưng Phật giáo đổi mới. Ngoài việc thuyết pháp, giảng kinh, sinh hoạt có định kỳ thì còn nhiều cải cách rất mới như trong năm 1940 người ta bắt đầu làm lễ thành hôn tại chùa Hội quán Từ Đàm. Con gái bác sĩ Lê Đình Thám là Lê Thị Tâm Mẫn cùng ông Hoàng Văn Tân là hai người được làm lẽ thành hôn tại Từ Đàm mở đầu cho lại sinh hoạt này. Người ta tụng kinh, giảng giáo lý đạo nghĩa vợ chồng và trao hai chiếc nhẫn vàng cho đôi tân hôn. Sau đó đọc lời Tam tự quy rồi hai nhà trở về tư gia để tiệc tùng19.
Ngày 16 tháng 10 năm 1940, ông Hội trưởng Nguyễn Đình Hòe ra “ĐỊNH” số 18 nói về đổi mới cách thờ tự và cách đọc các kinh ở các chùa Hội quán. Từ đó bao nhiêu thứ tượng như tượng Nam tào, tượng Bắc đẩu, tượng Ngọc hoàng, tượng Thánh Mẫu... nói chung thứ gì không phải là đạo Phật đều bị dẹp bỏ. Bao nhiêu khuôn Tịnh độ ở các làng xã cứ tiếp tục phát triển hội viên và khuôn hội. Chùa các Khuôn hội đều làm theo kiểu chùa Từ Đàm, thờ theo kiểu thờ tự của chùa Từ Đàm. Chùa Từ Đàm cũng là nơi phát hành kinh sách bằng chữ quốc ngữ, một thư viện rất lớn đầy kinh sách Phật giáo cũng đã được thành lập. Chùa Từ Đàm trở thành trung tâm chính yếu của phong trào chấn hưng Phật giáo toàn miền Trung, từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận.
Năm Ất Dậu (1945) lịch sử dân tộc chuyển mình, tất cả những hoạt động chấn hưng Phật giáo phải tạm thời ngưng lại. Đến năm 1948 thì giáo hội Tăng-già và Tổng hội Phật giáo miền Bắc khởi sự hoạt động lại, và vào năm 1950, đã cử Thượng tọa Thích Tố Liên sang Colombo, thủ đô Gaylen (Srilanka hiện nay) để dự Hội nghị Phật giáo thế giới họp lần thứ nhất mà tiếng Anh gọi là World Followship of Buddhist Comferances (tiếng Pháp gọi là L’Ansociation mendiale des Buddhistes) và ký tên gia nhập Hội Phật giáo thế giới được thành lập ngay sau buổi họp đó, có đại diện Phật giao của 10 nước tất cả20. Trong lúc đó thì tại chùa Từ Đàm, Việt nam Phật học Hội cũng dần dần sinh hoạt trở lại. Năm 1950 một Nghiên cứu Phật học cũng ra đời ở miền Nam để thay thế cho hội cũ đã ngưng hoạt động hoàn toàn.
Một biến cố trọng đại trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã xảy ra tại chùa Từ Đàm - Thuận Hóa vào năm 1951, đó là cuộc họp gồm 50 đại biểu của 6 tập đoàn: 3 tập đoàn Tăng-già của ba miền đã họp liên tục trong các ngày 1, 2, 3, 4, 5, tháng tư và các vị Tăng-già trong Sơn môn Thừa Thiên đến dự thính21. Sau những ngày họp hành, Hội nghị đã ra một bản Quyết nghị có 6 khoảng. Khoảng 1 là thành lập một Tổng hội theo bản điều lệ do Hội nghị đã lập và lấy tên là “Tổng Hội Phật giáo Việt Nam”. Khoảng 2 là Hội cung thỉnh một Ban Đại Chứng minh gồm có 6 vị Hòa thượng: Hòa thượng Mật Ứng và Hòa thượng Tuệ Tạng (miền Bắc), Hòa thượng Giác Nhiên và Hòa thượng Tịnh Khiết (miền Trung), Hòa thượng Tuệ Chân và Hòa thượng Đạt Thanh (miền Nam) để chỉ đạo phần đạo pháp cho Tổng hội, chứng minh các đại lễ và các sách báo cho Tổng hội. Khoảng 3 là bầu Ban Quảng trị gồm có Hội chủ là Hòa thượng Tường Vân Thích Tịnh Khiết, Phó Hội chủ: Thượng Tọa Trí Hải và Đạo hữu Lê Văn Định. Ngoài ra còn có một Tổng thư ký, hai phó thư ký, một trưởng quỷ, một kiểm ngân sách, tám uỷ viên, ba uỷ viên dự khuyết (...). Khoảng 4 là phê chuẩn việc Thượng tọa Tố Liên thay mặt Tổng hội Phật giáo Việt Nam ký tên gia nhập Hội Phật giáo thế giới22. Và như thế là công việc đặt nền móng cho sự thống nhất Phật giáo toàn quốc Việt Nam đã được thực hiện dưới mái chùa Từ Đàm ở Thuận Hóa vậy. Công việc của Tổng hội Phật giáo Việt Nam là cải tổ sâu xa về phía Tăng-già, điển chế các nghi lễ cho hợp thời, giáo dục Phật pháp cho đạo hữu, tín đồ và đào tạo một thế hệ Phật tử trẻ, có tài năng, có học vấn để phục vụ Phật pháp23.
Lịch sử biến chuyển, sự hoằng pháp của Giáo hội cũng có phần ảnh hưởng, chỉ khi phải trải qua thời kỳ pháp nạn, đó là thời kỳ từ 1956 mà trở về sau. Chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, Tổng hội Phật giáo Việt Nam khởi sự đi vào thời pháp nạn âm thầm. Mãi đầu mùa hạ năm 1963 thì sự đàn áp ra mặt bằng cách bắt Phật giáo đồ, hạ cờ Phật giáo trong ngày Phật Đản năm này. Thế sự xảy ra, chùa Từ Đàm trở thành trung tâm khởi xướng của cuộc bảo vệ đạo pháp. Nhưng nay tất cả đều đã đi qua, và chùa Từ Đàm vẫn là cơ quan hoằng pháp của tỉnh Giáo hội Thừa Thiên Huế. Hằng năm, vào lễ Phật Đản, ngày trăng tròn của tháng tư Âm lịch, lễ đài chính đã được trần thiết tại sân chùa Từ Đàm, ngay trước tiền đường để cho hàng vạn Phật tử Huế về làm lễ. Từ tối 13, mà nhất là tối 14 tháng tư hằng năm, con đường lên Từ Đàm tấp nập người trẩy hội. Người ta lên chùa Từ Đàm để xem đèn, để vào lễ Phật và để xem lễ đài...Sáng Rằm, chùa Từ Đàm đông nghẹt người, sân, vườn chùa không còn chỗ đứng, tạo thành quang cảnh hết sức đặc biệt, như một ngày hội vui của dân tộc. Ngày 14 tháng 7 hằng năm, Từ Đàm là nơi chư Tăng hội về để làm lễ Tự Tứ ra hạ. Ngày Rằm Phật tử khắp nơi về Từ Đàm để làm lễ Vu Lan...
Tuy không phải là ngôi chùa cổ nhất, cũng không phải là ngôi chùa có cảnh đẹp vào hàng đại danh lam thắng cảnh của xứ Huế, song chùa Từ Đàm có một vai trò quan trọng vào bậc nhất trong lịch sử chấn hưng, thống nhất và bảo vệ Phật giáo Việt Nam. Chùa Từ Đàm có cây Bồ-đề thiêng vẫn mãi mãi là trung tâm hoằng giáo của tỉnh Giáo hội Thừa Thiên, Huế, bởi vì Từ Đàm là nơi phát tích Thiền Lâm Tế Minh Hoằng Tử Dung-Liễu Quán rồi chuyển sang làm trung tâm của phong trào chấn hưng Phật giáo nghiêng về Tịnh độ tông. Nhưng trong ý nghĩa hoằng viên nhất của đạo Phật thì “Vạn Pháp Quy Nhất...” cho nên Tịnh độ vẫn là Thiền không có gì sai khác. Thiền Lâm Tế Tử Dung-Liễu Quán càng truyền xa, truyền rộng thì chùa Từ Đàm tức là Ấn Tôn Tự ngày xưa - càng trở thành trung tâm hoằng giáo của tỉnh Giáo hội Thừa Thiên, Huế và là điều dĩ nhiên vậy.
Tháng tư năm Nhâm Thân (1992)
Chú thích:
(1). Thích Mật Thể, Sđd tr.222, 223, 224.
(2). Thường dịch là Pháp tướng tông.
(3). Tức là Avatamsaka.
(4). Chao Pu-chu, Phó Hội trưởng và tổng thư ký Phật giáo Trung Quốc, Buddhism in China, in France _ Asia, tome XVI, số 153-157, Fevrier _ Juin 1957, Saigon, tr.724-725.
(5). Xem bài viết của cụ Huỳnh Thúc Kháng đăng trong tạp chí Viên Âm 1933.
(6). Xem câu đối của cụ Phan Bội Châu trước tiền đường chùa Từ Đàm hiện nay.
(7). Tạp chí Viên Âm số 35, mục tin tức Huế, 1939.
(8). Tức là Hòa thượng Như Đông Đắc Quang, tên thật là Đặng Thành Khoáng, giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ từ 1934 đến 1945.
(9). Tức là ngài Tăng cang Giác Nhiên.
(10). Tức là Bác sĩ Lê Đình Thám.
(11). Báo Viên Âm, số và năm đã dẫn tr. 40.
(12). * Phật là bậc Chánh Biến tri, Vô lượng thọ, Vô lượng quang, Vô lượng công đức.
* Học theo nghĩa chân thật, nghe như vậy, tư như vậy, tu trì như vậy.
(13). * Theo trần đuổi bóng, quấy sanh chấp ngã pháp dùng trong mê rốt cuộc vọng thành nghiệp hữu lậu tham, sân, si, mạn.
* Dứt tướng xoay 6 căn, tự tha không cách biệt, giác tính xưa nay vốn đủ tâm vô lượng từ bi hỷ xả.
(14) * Nghiệp duyên như bèo hợp, hằng năm tóc bạc mãi , há nỡ xem tuổi xuân quăng dòng nước.
* Thế sự như bàn cờ, nơi nơi giấc mộng hoàng lương, quay đầu là bến, nguyện dịch kinh bối diệp tỏa hương ưu đàm.
(15). Présence du Boddhisme in Revue France _ Asia 14e année, tome XVI 1959, phần Glossaire, chữ A tr. 962 (2)
(16). D.T. Devendra, Buddhism in Ceylon, trong tạp chí F.A. nói trên, tr. 862.
(17). Viên Âm tạp chí năm thứ ba, số 34, tháng Decembre- Janvier 1939, tr.61.
(18). Viên âm tạp chí năm thứ tư, số 36, thang Mars- Avril 1939, tr.22-25.
(19). Viên Âm tạp chí , số đã dẫn trên, tr.23, 24, 25.
(20). Viên Âm tạp chí, năm thứ tư, số 40, tr. 24, 25.
(21). Viên Âm tạp chí, năm thứ 10, số 102- 103, tr. 78, Huế, 1951.
(22). E.Barbarin, Le Buddhisme in France, in Revue F.A. số đã dẫn, tr. 943.
(23). Viên Âm tạp chí, năm thứ 10, số 104, ngày 8 tháng 4, Tân Mão. (1951) tr. 2,4,5,6,7, Huế.
(24). Mai Thọ Truyền_ Trưởng Hội Nghiên cứu Phật học Nam Việt Nam, Le Bouddhisme du Việt Nam trong tạp chí F.A. đã dẫn tr. 807, 808, 4, Saigon, 1953.