menu_open
Diễn văn bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025
08/05/2025 1:35:29 CH
Xem cỡ chữ:
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 20 được long trọng diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh đúng vào dịp cờ hoa rực rỡ tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam vô cùng hoan hỷ được chào đón chư tôn túc cao Tăng, thạc đức; chư vị Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch, những vị lãnh đạo các Giáo hội Tăng-già, tổ chức Phật giáo; Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc ICDV; các tổ chức Phật giáo thế giới; các hệ phái, truyền thống Phật giáo đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đã quang lâm tham dự Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 4 được tổ chức tại Việt Nam.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, UVTT HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, UVTT HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN

Nam-mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch chư đức giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo các nước và Việt Nam;

Kính thưa ngài Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; cùng quý vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN; các Ban, Bộ ngành Trung ương; lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố;

Kính thưa quý vị đại biểu khách quý đại diện các quốc gia, Liên Hiệp Quốc; các đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Việt Nam;

Kính thưa toàn thể quý vị;

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 20 được long trọng diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh đúng vào dịp cờ hoa rực rỡ tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam vô cùng hoan hỷ được chào đón chư tôn túc cao Tăng, thạc đức; chư vị Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch, những vị lãnh đạo các Giáo hội Tăng-già, tổ chức Phật giáo; Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc ICDV; các tổ chức Phật giáo thế giới; các hệ phái, truyền thống Phật giáo đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đã quang lâm tham dự Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 4 được tổ chức tại Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam vinh hạnh được đón tiếp ngài Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tham dự và có bài phát biểu vô cùng sâu sắc và ý nghĩa tại Lễ khai mạc; và hôm nay rất phấn khởi được đón ngài Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tham dự và phát biểu tại Lễ bế mạc; cùng quý vị đại biểu khách quý lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQVN; các Ban, Bộ ngành Trung ương; lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương; ngài Tổng thống Sri Lanka; cùng quý vị khách quý đại diện Chính phủ các quốc gia; và các đoàn ngoại giao, đại sứ, tổng lãnh sự các nước tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tới tham dự.

Kính bạch chư tôn đức,

Kính thưa quý vị khách quý,

Đại lễ Vesak năm nay đón nhận hơn 1.000 bài tham luận tập trung vào chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” đã một lần nữa khẳng định rằng trong giáo lý của Phật giáo, triết lý đoàn kết và bao dung là hai yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Đoàn kết và bao dung không chỉ là học thuyết đạo đức Phật giáo, mà còn mãi là kim chỉ nam cho những suy nghĩ, lời nói, và hành động của con người để xây dựng xã hội an hòa, ít xung đột, tràn ngập thương yêu. Trong bài phát biểu quan trọng tại Đại lễ, Chủ tịch nước Lương Cường đã đưa ra thông điệp: “Chúng ta cần biến tâm từ bi thành chính sách, biến trí tuệ thành định hướng phát triển, biến tinh thần Vô ngã - Vị tha thành kim chỉ nam cho hành động chung” trong bối cảnh thế giới đầy biến động ngày nay.

Kính bạch chư tôn đức,

Kính thưa quý vị khách quý,

Phật giáo Việt Nam đã luôn hòa mình với dòng chảy văn hóa dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Triết lý đoàn kết và bao dung của Phật giáo đã góp phần làm nên bản sắc và sức mạnh tinh thần đại đoàn kết dân tộc; góp phần làm sâu sắc hơn tinh thần yêu nước, thương nòi, lòng khoan dung, trọng nhân, trọng nghĩa, nét văn hóa yêu thương đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, "lá lành đùm lá rách"… vốn đã thấm sâu trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi người Việt Nam. Đoàn kết là di sản vô giá, truyền thống quý báu của mỗi người Việt Nam; là sức mạnh đưa Việt Nam trở thành một dân tộc hùng cường, luôn luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chiến thắng mọi kẻ thù, giành mọi thắng lợi, lập nên những kỳ tích vẻ vang, rạng rỡ trong suốt chiều dài lịch sử như ngài Tổng thống Sri Lanka trong phiên khai mạc đã bày tỏ: “ Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời đã mở ra con đường vươn lên đầy dũng cảm, bất chấp hàng trăm năm trải qua những đau thương. Chúng tôi tự hào về những thành tựu to lớn mà đất nước các bạn đã đạt được ngày hôm nay từ một quốc gia từng chịu đựng những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tồi tệ nhất và những bất công nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tôi cũng xin được gọi đất nước các bạn là miền đất của sự kiên cường”.

Một lần nữa thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn đã đến với Việt Nam, với Thành phố Hồ Chí Minh trong sự kiện thiêng liêng ngày hôm nay với những tình cảm đặc biệt nhất.

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 20 được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công rất rực rỡ. Kính chúc chư tôn đức Tăng Ni, quý đại biểu khách quý và đồng bào Phật tử đón mùa Phật đản vô lượng cát tường, thành tựu viên mãn các thiện sự trong ánh hào quang của Đức Thích Ca Từ Phụ.

Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.

GNO