Dâng hương đảnh lễ tưởng niệm có Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Hương, Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN thành phố Huế; chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni các tổ đình, tự viện, Niệm Phật đường cùng đạo hữu Phật tử các giới.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Hương niêm hương tưởng niệm


HT.Thích Huệ Phước niêm hương bạch Phật, cử hành nghi lễ


Hòa thượng Sám chủ Thích Huệ Phước, UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN thành phố Huế đã niêm hương bạch Phật, cử hành nghi lễ cúng Ngọ truyền thống.
Tổ họ Mai, húy Phước Thạnh, sinh năm Kỷ Mão (1879) trong một gia đình thâm tín Tam Bảo, tại làng An cựu, thôn Tứ Tây, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngài là con trai thứ hai của cụ ông Mai Phước Thọ, cụ bà Phan Thị Bốn, pháp danh Tâm Trung.
Năm 14 tuổi, Ngài được thân mẫu cho phép vào chùa Tường Vân, xã Thủy Xuân, thành phố Huế xuất gia, quy y làm đệ tử thứ 8 của Ngài đệ tam Tổ chùa Tường Vân, húy thượng Thanh hạ Thái, tự Phước Chỉ, hiệu Giác Không.
Tam Tổ nhận thấy Ngài tư chất thông minh, nên ban cho pháp danh là Trừng Không, pháp tự là Pháp Thông, pháp hiệu là Thích Tịnh Phổ. Ngài thuộc đời thứ 42, dòng Lâm tế chánh tông.
Đồng thời Ngài cũng được tôn sư phú pháp kệ như sau:
Trừng Không tâm pháp thả phi không,
Giới hạnh kiên trì phú Pháp Thông
Liễu đạt tam thừa minh pháp tánh
Hốt nhiên khai ngộ chủ nhân ông
Nguyên Hồng tạm dịch:
Trừng Không tâm pháp vốn phi không
Giới hạnh kiên trì phú Pháp Thông
Hiểu thấu ba thừa ngời pháp tính,
Rỗng thông tỏ ngộ chính là ông
Từ ngày được tôn sư phú kệ, Tổ dày công tu tập giới định tuệ, tinh tu phạm hạnh. Được sự khích lệ của Tôn sư, Ngài về tại làng An Cựu lập một Thảo am nhỏ để chuyên tu và hiếu dưỡng mẫu thân.
Năm Đinh mão (1927), Ngài cho dựng lại thành chùa gỗ, mái lợp ngói đơn sơ để tiếp độ chúng xuất gia và tại gia.
Năm Ất hợi (1935), Chùa được Vua Bảo Đại sắc tặng tấm biển sơn son thếp vàng “SẮC TỨ BẢO VÂN TỰ”, tấm biển hiện đang được treo trước chánh điện chùa Bảo Vân.
Năm Nhâm ngọ (1942), sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Ngài ngày một lớn rộng, nhưng với quy mô ngôi phạm vũ quá chật hẹp, cùng với sự xuống cấp trầm trọng sau nhiều năm tháng dãi nắng dầm mưa, Ngài đã viết thư kêu gọi chư Tôn Thiền Đức trong sơn môn cùng quý thiện nam tín nữ, ủng hộ tài vật lực và công lực, để xây dựng thành ngôi Phạm vũ nguy nga như ngày nay. Đây là một ngôi chùa đúc theo kỹ thuật của người Pháp đầu tiên tại đất Cố đô. Tuy xây dựng theo kỹ thuật của Pháp, nhưng cũng giữ được sự trang nghiêm và cổ kính của ngôi chùa Việt Nam.
Năm Kỷ sửu (1949), Ngài được cung thỉnh vào ngôi đệ tứ Tôn chứng tại “Hộ Quốc Giới Đàn, do Tăng già trong sơn môn Thừa Thiên tổ chức vào ngày 11, 12, 13 tháng 8 âm lịch, tức ngày 2, 3, 4 tháng 10 năm 1949.
Ngày mồng 4 tháng 3 năm Nhâm Dần (1962), Tổ an nhiên thị tịch, trụ thế 83 tuổi. Hòa thượng trú trì chùa Châu Lâm hiệu Vĩnh Thừa cảm sự hiếu hạnh của Ngài đã viết rằng:
Trước tám mươi năm, hiếu hạnh sâu dày, xây dựng am mây thờ lão mẫu
Nay tám mươi tuổi, phước duyên đầy đủ, trở về cõi tịnh phụng tôn sư

