menu_open

Tin tức chung

Lễ Húy nhật Tưởng niệm 20 năm ngày cố Hòa thượng Thích Từ Phương viên tịch
03/01/2025 12:07:15 CH
Xem cỡ chữ:
Sáng ngày 04.12 Giáp Thìn (03.01.2025) tại Tổ đình Tây Thiên (phường Thủy Xuân, thành phố Huế), Chư Tôn đức Tăng Ni trong Môn phái Tổ đình Tây Thiên đã trang nghiêm tổ chức Lễ Húy nhật Tưởng niệm 20 năm ngày cố Hòa thượng Thích Từ Phương viên tịch.
Lễ Húy nhật Tưởng niệm 20 năm ngày cố Hòa thượng Thích Từ Phương viên tịch
Lễ Húy nhật Tưởng niệm 20 năm ngày cố Hòa thượng Thích Từ Phương viên tịch

Tham dự và cử hành buổi lễ có Trưởng lão HT.Thích Đức Thanh, UVTT HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN Thành phố Huế; Trưởng lão HT.Thích Lưu Hòa, Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN thành phố Huế; Trưởng lão Hòa thượng Thích Hải Ấn, UVTT HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Học viện PGVN tại Huế; Chư Tôn đức Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN thành phố Huế; HT.Thích Huệ Phước, UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN thành phố Huế; chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni Thường trực Ban Trị sự GHPGVN thành phố, các Ban ngành trực thuộc Ban Trị sự, chư Tôn đức Ban Trị sự các huyện, thị xã, các tổ đình, tự viện cùng quý Phật tử các giới.

Hòa thượng Thích Huệ Phước sám chủ, cùng chư tôn đức cử hành lễ cúng Ngọ theo nghi thức thiền môn xứ Huế.

Tôn ảnh cố Hòa thượng Thích Từ Phương

Hoà thượng Thích Từ Phương thế danh Phạm Bá Nguyên, Pháp danh Nguyên Không, tự Từ Phương, dòng pháp Lâm tế đời thứ 44. Hoà thượng sinh ngày 10 tháng 5 năm 1946 (Bính Tuất) trong một gia đình trung lưu, nhân sĩ yêu nước, tại làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thân phụ là cụ Phạm Bá Trinh; liệt sĩ, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc năm 1968, và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Ngắn có tín tâm, mến mộ Phật pháp. Hoà thượng là con trai trong gia đình có 2 anh em: 1 trai, 1 gái.

Thuở nhỏ thường theo Mẹ đến chùa lễ Phật, rồi tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử tại địa phương. Chính nhờ môi trường giáo dục Phật giáo nầy, cùng với tư chất thông minh mà tín tâm Tam bảo phát khởi mạnh mẽ, nên năm 14 tuổi (1960) tự đến chùa Viên Minh, phường An Cựu – Huế để trau dồi huệ nghiệp và theo học nghề thuốc Đông y với người Cậu, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Hoà thượng tìm cầu quy y xuất gia với Hoà thượng Thiện Hỷ ở chùa Tây Thiên, thuộc thôn Thượng 1 xã Thuỷ Xuân.
Mong ước đã trở thành hiện thực, từ đây cõi lòng thanh thản hân hoan, lại được sống trong vòng tay yêu thương che chở dìu dắt của Bổn sư, Hoà thượng càng siêng năng cần mẫn tu học kinh luật, rèn luyện thân tâm, trau dồi đạo hạnh, theo học các lớp Sơ, Trung Phật học tại Từ Đàm, Linh Quang và Báo Quốc.
Bốn năm sau, năm 1964 Hoà thượng được Bổn sư cho thọ Sa di giới tại Giới đàn Vạn Hạnh, tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu với pháp tự Từ Phương.
Ngay sau khi lãnh thọ giới pháp, vâng lệnh Bổn sư, Hoà thượng vào Đà Lạt rồi Sài Gòn tham học Nội điển và Ngoại điển. Trong thời gian này, Hoà thượng đã theo học Trường Quốc Gia Âm Nhạc và thực tập hạnh khất thực.
Năm 1970, trở về Huế, thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Vĩnh Gia tổ chức tại Đà Nẵng do Đức Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – Đại lão Hoà thượng Thích Giác Nhiên làm Đàn đầu. Từ đây, Hoà thượng suy tư về trách vụ “Hoằng pháp lợi sanh” đối với tự thân. Cảm nhận sâu sắc lời dạy của Tổ khai sơn chùa Trúc Lâm “Nghi lễ là đội quân tiên phong trong việc đưa người vào Đạo”, xét thấy phù hợp với năng khiếu của mình, Hoà thượng đã dốc lòng tham học với các bậc Tôn túc thâm hiểu nghi lễ như Hoà thượng Hiếu Quang, Hoà thượng Chơn Thức và Hoà thượng Chánh Nguyên.
Năm 28 tuổi – 1974, Hoà thượng được Giáo hội Phật giáo Miền Vạn Hạnh giao giữ chức vụ Chánh Đại diện Phật giáo Quận Nam Hoà và Trú trì chùa Kim Đài.
Năm 1975, quê hương hoàn toàn được giải phóng, nước nhà độc lập thống nhất, Hoà thượng là một trong những vị tiên phong nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc.
Năm 1980, sau khi Đại lão Hoà thượng Thích Giác Nguyên, Đệ I Tôn chứng Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Trú trì Tổ đình Tây Thiên viên tịch, Môn phái đã họp và cử Hoà thượng làm Toạ chủ Tổ đình Tây Thiên để trông coi Phật sự nơi chốn tòng lâm nầy.
Kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập năm 1982, Hoà thượng được Giáo hội mời tham gia giữ chức vụ Uỷ viên Ban Trị sự kiêm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Phú Lộc, liên tiếp trong 2 nhiệm kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Hoà thượng, Phật giáo huyện này luôn là lá cờ đầu trong công tác Phật sự được Giáo hội giao phó.
Sang Đại hội kỳ III năm 1997, Hoà thượng được Trung ương Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng toạ, giữ chức vụ Trưởng Ban Nghi Lễ Phật giáo Tỉnh cho đến nhiệm kỳ IV năm 2002, Hoà thượng được mời tham gia Uỷ viên Hội đồng Trị sự, đảm trách chức vụ Phó Trưởng ban Nghi Lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong cương vị Trưởng ban chuyên ngành, Hoà thượng đã không ngừng rèn luyện kỹ năng và phát huy tính trong sáng của Nghi lễ Phật giáo, tạo được sự cảm kích đối với mọi tầng lớp nhân dân trong nước và nước ngoài, do đó vào tháng 11 năm 1997, Hoà thượng được Đài phát thanh quốc gia Pháp mời sang trình diễn nghi lễ Phật giáo tại Viện Bảo tàng Pháp quốc. Cuộc trình diễn được ghi âm và truyền thanh trực tiếp trên Đài phát thanh Paris, tuy chỉ trong 45 phút nhưng đã để lại ấn tượng mến mộ sâu đậm cho hàng triệu người nghe. Bộ Văn hoá Thông tin của Pháp đã đánh giá rất cao; được xếp vào 1 trong 10 loại đĩa âm nhạc hay nhất trong năm và cho phát hành 20.000 đĩa CD. Chính vì lẽ đó mà vào tháng 3 năm 1998, Nhà Văn hoá thế giới tại Pháp lại mời Hoà thượng sang trình diễn nghi lễ Phật giáo tại Paris một lần nữa. Lần này Hoà thượng trình diễn 3 đêm liên tục, đông đảo quần chúng hoan nghênh, thưởng thức.
Hoà thượng để tâm nghiên cứu sưu tầm nền nghi lễ Phật giáo cổ truyền, tiến hành tổ chức lớp học và hình thành đội ngũ Vũ hội Lục cúng hoa đăng cho 50 Tăng sinh, đã trình diễn nhiều lần trong các Đại lễ Phật giáo như Phật đản, Lễ hội Quán Thế Âm rất được Tăng Ni, Phật tử và đồng bào các giới ngưỡng mộ.
Tận tâm với sự nghiệp hoằng pháp độ sanh, đáp lại niềm tin kính và lòng mến mộ của quần chúng Phật tử, Hoà thượng đã dấn thân quên mình qua sinh hoạt nghi lễ chỉ vì xoa dịu niềm đau của kiếp nhân sinh và tăng trưởng hiếu đạo, thiện tâm cho mọi người, phát huy đạo lý của Phật giáo và Dân tộc, qua nhiều năm gắn bó tích cực với Phật sự và công tác xã hội, Hoà thượng đã được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp Đại Đoàn kết Dân tộc vào năm 2003.
Tháng 5.2004, Hoà thượng được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tỉnh Thừa Thiên – Huế giới thiệu đại biểu tham gia Hội đồng Nhân dân Tỉnh, được Tăng Ni Phật tử và đồng bào nhân dân tín nhiệm, đắc cử với số phiếu rất cao.
Sau thời gian lo tang lễ cho pháp đệ là Thượng toạ Thích Từ Phong, bệnh tình của Hoà thượng tái phát, mặc dù được các Y Bác sĩ và hàng đệ tử tận tâm chữa trị, nhưng như biết trước giờ sắp ra đi, Hoà thượng nhiếp tâm trong niệm hỷ xả, di chúc dặn dò pháp tử sắp xếp công việc chốn Tổ và hậu sự Mẹ hiền, Hoà thượng đã xả báo an tường vào hồi 7 giờ 30 ngày 05 tháng 12 năm Giáp Thân (14.01.2005) tại chùa Tây Thiên, thọ 59 tuổi đời, 35 tuổi Đạo.

Một số hình ảnh ghi nhận:

Tác bạch Cung thỉnh Chư Tôn đức quang lâm 

Chư Tôn đức Chứng minh đảnh lễ, dâng hương tưởng niệm

Hòa thượng Thích Huệ Phước niêm hương bạch Phật, thực hiện nghi thức cúng Ngọ

Nhật Lưu