menu_open

Tin tức chung

Phát huy vai trò Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc
07/08/2024 11:10:09 CH
Xem cỡ chữ:
Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 được diễn ra trong hai ngày 07 và 08/8/2024. Tại Đại hội phiên thứ nhất vào chiều ngày 07/8/2024, Hòa thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình bày tham luận “Phát huy vai trò Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc”.
HT.Thích Huệ Phước trình bày tham luận tại Đại hội phiên thứ nhất
HT.Thích Huệ Phước trình bày tham luận tại Đại hội phiên thứ nhất

PHÁT HUY VAI TRÒ PHẬT GIÁO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TRONG XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

Từ xưa cho tới nay, dù trong bất cứ thời đại nào, Phật giáo luôn quan tâm, nhấn mạnh về các vấn đề như nghiên cứu Phật học, đào tạo Tăng tài, giáo dục Phật giáo, Phật giáo với nhân sinh xã hội, Phật giáo với môi trường thiên nhiên, v.v… Ngoài việc làm cho bản thân Phật giáo có nội lực, phát triển và đem lại những giá trị phụng sự nhân sinh, Phật giáo còn song song thực hiện vai trò hộ quốc an dân, góp phần cho sự phát triển của đất nước, chữa lành những vết thương, những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống, phát huy vai trò của Phật giáo trong sự hòa hợp, đoàn kết dưới một mái nhà chung của dân tộc.

Hơn 700 năm hình thành và phát triển, kể từ năm 1307 khi hai châu Ô và Lý được đổi thành châu Thuận và Hóa, năm 1558 khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, trải qua 9 đời chúa Nguyễn, dưới triều đại Tây Sơn và 13 đời vua Nguyễn, cho đến Thừa Thiên Huế ngày nay, Phật giáo đồng hành và ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống và tâm thức của người dân xứ Huế. Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, qua các triều đại, các sự kiện văn hoá lịch sử, Phật giáo Thừa Thiên Huế vẫn luôn giữ vững tinh thần và vai trò hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo, xây dựng tinh thần hòa hợp và đoàn kết. Đó cũng chính là kế thừa và phát huy tư tưởng “hòa quang đồng trần” của đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tức là tinh thần nhập thế phụng sự, không xa rời thực tiễn, đem ánh sáng tuệ giác hòa vào với bụi trần phiền não của cuộc sống để thắp sáng, mang lại lợi ích cho nhân sinh, xã hội và đất nước. Như vua Trần Nhân Tông viết về Tuệ Trung Thượng sĩ - bậc Thầy khai sáng trên con đường tâm linh của vua Trần Nhân Tông rằng: “Thượng Sĩ sống giữa lòng thế tục, hòa ánh sáng mình trong cuộc đời bụi bặm; trong mọi cuộc tiếp xúc Thượng Sĩ luôn luôn giữ thái độ hòa ái nên chưa bao giờ gặp phải những trường phiền nghịch. Do đó, Ngài có thể làm tiếp nối được hạt giống chánh pháp, dìu dắt được những kẻ mới học. Ai đến tham cứu tìm học với Ngài cũng được Ngài chỉ dẫn sơ lược cho thấy phần cương yếu của đạo pháp khiến tâm họ có chỗ nương tựa. Thượng Sĩ không bị ràng buộc bởi hình thức; khi thì ẩn tàng, khi thì lộ diện, Ngài không chấp vào hình thức và danh từ

Trong Cư Trần Lạc Đạo phú, đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã cho thấy tinh thần nhập thế Phật giáo:

Mình ngồi thành thị;

Nết dụng sơn lâm.

Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính;

Nửa ngày rồi tự tại thân tâm

Phật giáo Huế đã thể hiện vai trò nhập thế trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Khi đất nước có nguy cơ mất đi nền văn hóa truyền thống dân tộc bởi sự đô hộ, xâm lược từ các nước bên ngoài, Phật giáo Huế đã phát khởi phong trào, dùng tất cả nguồn lực, thậm chí đem cả thân mạng làm ngọn đuốc sáng ngời để soi bước cho nhân loại tiến đến đến sự bình đẳng, hòa bình và nhân văn. Phong trào đấu tranh chống lại chính sách đàn áp Phật giáo, bất bình đẳng tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963 là một minh chứng lịch sử. Những ngọn đuốc sống như Ngài Tiêu Diệu tự thiêu ở chùa Từ Đàm, Ngài Thanh Tuệ ở chùa Phước Duyên; hay trước đó ba tháng vào ngày Đại lễ Phật đản, tại Đài Phát thanh Huế, là sự xả bỏ thân mạng vì đạo pháp của tám thanh thiếu niên Phật tử trước sự đàn áp bằng xe tăng thiết giáp và đại bác của chính quyền Ngô Đình Diệm bấy giờ.

Phật giáo Huế đã từng được biết đến như là kinh đô Phật giáo, là trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Điều đó có ý nghĩa tại đất thiền kinh cố đô Huế, đã là nơi quy tụ những phẩm chất, tinh hoa triết học Phật giáo của Tăng Ni, Nhà nghiên cứu, Phật tử của cả nước và nước ngoài.

Nhà văn hóa giáo dục Thân Nhân Trung thừa lệnh vua Lê Thánh Tông soạn bài văn bia đề tên Tiến sĩ khoa thi đầu niên khóa Nhâm Tuất (1442) đã bày tỏ tư tưởng về văn hóa - giáo dục: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp”. Trong sự nghiệp phát triển đất nước, tổ chức, đào tạo và trọng dụng hiền tài luôn đóng vai trò quan trọng. Tinh thần Phật giáo Huế cũng vậy, đào tạo các thế hệ Tăng tài đầy đủ giới đức phạm hạnh, phát triển về lĩnh vực giáo dục và văn hóa Phật giáo đến với quần chúng nhân dân, Phật tử.

Trong khi Tạp chí Từ Bi Âm ra số đầu tiên vào năm 1932 của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (được thành lập vào năm 1931, thì ở Huế, tạp chí Viên Âm ra số đầu tiên vào năm 1933 của của Hội An Nam Phật Học (được thành lập vào năm 1932). Hòa thượng Giác Tiên và Hòa thượng Giác Nhiên chứng minh đạo sư, chủ bút là Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Tạp chí Viên âm là cơ quan hoằng pháp của An Nam Phật Học Hội (sau này 1945 đổi thành Hội Việt Nam Phật Học). Mục đích của Viên Âm như nội hàm ý nghĩa của Viên Âm, đó là âm thanh tròn đầy, xiển dương tán thán những lời thuyết pháp của đức Phật, chuyển tải những bài giảng giải kinh điển, triết học Phật giáo, văn hóa lịch sử, v.v…

Kể từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên Nguyễn Hoàng rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, mở đầu cho bước ngoặt mới cho lịch sử thống nhất đất nước và mở mang bờ cõi lãnh thổ Việt Nam sau này. Chùa Thiên Mụ được Tiên Chúa Nguyễn Hoàng xây dựng để cầu nguyện cho đất nước hùng mạnh, linh khí quy tụ, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Phật giáo Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng dân tộc, dấn thân phụng sự cùng với tỉnh nhà để đóng góp trong vấn đề an sinh xã hội. Phật giáo Huế mỗi năm đều đề ra các phương hướng hoạt động về công tác hoằng pháp giáo dục, từ thiện xã hội, nhằm giúp người dân bảo đảm cuộc sống cơ bản, thể hiện tinh thần nhân đạo và đoàn kết của dân tộc, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đạo đức và sự phồn thịnh của đất nước.

Công tác từ thiện, trao tặng nhà tình thương được thực hiện đáng kể tại vùng cao A Lưới, góp phần chia sẻ bớt những khó khăn của người đồng bào dân tộc thiểu số, để bà con nhân dân ở đây an cư làm việc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế đang phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, phát triển kinh tế và văn hóa bản sắc ở vùng cao đang là mối quan tâm sâu sắc của lãnh đạo chính quyền, Phật giáo Thừa Thiên Huế cùng ra sức về các công tác an sinh xã hội ở những vùng trọng yếu này.

A Lưới là một huyện miền núi, nằm trong khu vực địa hình phía Tây của dãy Trường Sơn Bắc, nằm trên trục đường Hồ Chí Minh đi qua 14 xã, thị trấn nối xuyên Bắc Nam, có quốc lộ 49 nối với thành phố Huế và các huyện đồng bằng,  phía Tây giáp với huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị và nước CHDCND Lào, có hai cửa khẩu quốc gia là A Đớt và Hồng Vân, gần với cửa khẩu quốc tế La Lay thuộc xã A Ngo, huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị. Từ vị trí địa lý của huyện A lưới, chúng ta thấy được tầm quan trọng trong việc phát huy vai trò và tinh thần hữu nghị của hai nước Việt - Lào. Vì vậy, Phật giáo Thừa Thiên Huế nhận thức được tầm quan trọng này, cho nên các công tác về từ thiện, hoằng pháp giáo dục được thực hiện tích cực và tăng cường giao lưu văn hóa, hữu nghị giữa nhân dân, cộng đồng Phật tử hai nước, thông qua các chương trình văn hóa Phật giáo và từ thiện xã hội. Hằng năm, Phật giáo Thừa Thiên Huế tổ chức lễ hội “Quê hương yên bình”, pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an, đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ, các chương trình văn hóa Phật giáo, các khóa tu cho tầng lớp thanh thiếu niên v.v… góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc, phát huy lối sống tích cực, tốt đẹp của bà con đồng bào dân tộc dựa trên giáo lý từ bi và trí tuệ của đạo Phật.

Trong tiến trình đổi mới đất nước, bên cạnh những thử thách, cơ hội sẽ luôn có những nguy cơ và rủi ro, đặc biệt đối với tầng lớp thanh thiếu niên, những người sẽ là sự tiếp nối, đóng góp cho quê hương đất nước trong tương lai. Phật giáo Thừa Thiên Huế chú trọng đến các lĩnh vực giáo dục, và rèn luyện đạo đức đối với tầng lớp thanh thiếu niên. Các khóa tu được tổ chức cho thanh thiếu niên, Phật tử nhằm tạo môi trường tốt, trau dồi kỹ năng về công tác xã hội, học hỏi về văn hóa lịch sử dân tộc, lắng nghe và thực tập lời dạy của đạo Phật về đời sống hướng thiện, đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Chùa Từ Lâm (thành phố Huế), mỗi năm tổ chức 4 khoá tu theo bốn quý mỗi năm dành cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, từ năm 2017 đến nay, với hơn 5000 khoá sinh là thanh thiếu niên tham dự, với các chủ đề xoay quanh tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước, chánh tín Tam bảo, những nếp sống hướng thiện tốt đẹp, phát huy giá trị đạo đức, tâm linh, thuần phong mỹ tục truyền thống; hướng nghiệp và nhiều chuyên đề xã hội khác nhau.

Phật giáo Thừa Thiên Huế còn góp phần cho vấn đề bảo vệ môi trường. Những ngôi chùa xứ Huế hòa quyện vào với thiên nhiên, mang lại sự hài hòa và chiều sâu trong đời sống của người dân. Các khóa tu cũng mang lại các giá trị tích cực và hiệu quả trong việc giải quyết cho vấn đề nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu. Như chúng ta biết, khí thải carbon dioxide (CO2) là nguyên nhân chính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu. Khí thải nhà kính quá lớn từ quá trình công nghiệp hoá, và quá trình chế biến thực phẩm từ gia súc và vật nuôi. Các nhà khoa học trên thế giới đã kêu gọi khuyến khích người dân giảm ăn các thực phẩm từ thịt, ăn chay mỗi tuần một ngày v.v… để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu này. Thông qua nội dung giảng dạy của khóa tu, có thể giúp cho các khóa sinh thanh thiếu niên ý thức hơn về vấn đề biến đổi khí hậu này. Ăn chay cũng là một trong những giải pháp quan trọng hiệu quả trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo về môi trường. Rừng là lá phổi xanh của trái đất, bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ môi trường, chống sự nóng lên toàn cầu nhờ vào sự hấp thụ khí CO2 qua quá trình quang hợp, từ đó khí CO2 nhà kính sẽ giảm đáng kể. Phật giáo Thừa Thiên Huế cũng hưởng ứng tham gia trồng cây xanh thêm ở các cơ sở tự viện, hòa trong phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng” được UBND tỉnh phát động vào đầu năm 2019. 

Đạo Phật đã gắn bó với đời sống tinh thần và tâm thức của người dân xứ Huế. Cùng với sự kế thừa, giữ gìn và phát huy những nếp sống văn hóa Phật giáo trên đất thiền kinh với tinh thần nhập thế phụng sự nhân sinh, Phật giáo Thừa Thiên Huế tham gia tích cực và phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển nhiều lãnh vực của tỉnh nhà, hướng đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 và vươn xa hơn nữa trong thời gian phía trước./.

                                                                                                                 Hòa thượng Thích Huệ Phước

                                                                                                    Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự

                                                                                    Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế

Tài liệu tham khảo:

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Hà Nội: Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự Thật, 2013.

Nguyễn Lang. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận. Hà Nội: Nhà Xuất bản Văn học, 2000.

https://www.thivien.net/Tr%E1%BA%A7n-Nh%C3%A2n-T%C3%B4ng/%C4%90%E1%BB%87-nh%E1%BA%A5t-h%E1%BB%99i/poem-dbr0TgG_IdzaBC1mRU49hg

Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh TT.Huế