Để phù hợp với thực tế xã hội mới, nơi cộng cư của ba dân tộc Việt, Chăm-pa và Khmer, các chúa Nguyễn đã xác lập tư tưởng “cư Nho mộ Thích” làm giềng mối cho việc lãnh đạo nhân dân xây dựng và phát triển đất nước trên vùng đất phía Nam, tách khỏi triều đình Lê-Trịnh ở Bắc Hà.
Tháp mộ của Trưởng công chúa Long Thành trong khuôn viên lăng Gia Long
(lăng Thiên Thụ), nay thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế
Trong khoảng 200 năm (TK.XVII-XVIII), đạo Phật đã được tôn sùng, phát triển từ trung tâm Thuận Hóa cho đến khắp Nam Hà. Rất tiếc, riêng Ni giới dưới thời các chúa Nguyễn chỉ là một cái bóng mờ nhạt, không được quan tâm trong các sinh hoạt tín ngưỡng và xã hội. Tra cứu sử sách, chúng tôi ghi nhận được một số thông tin sau đây.
Vào thời Hiền vương Nguyễn Phước Tần (Quốc chúa đại sĩ, 1648-1687), Phật giáo Đàng Trong phát triển mạnh nhờ sự xuất hiện của các vị cao tăng như Lục Hồ - Viên Cảnh, Đại Thâm - Viên Thực, v.v..., đặc biệt là Thiền sư Minh Châu - Hương Hải (1628-1715). Quốc chúa nghe danh Thiền sư Hương Hải nên đã cho kiến tạo Thiền Tịnh Viện trên Quy sơn (núi Rùa, gần cửa biển Tư Hiền, 1666) và thỉnh ngài về trú trì, hoằng dương Phật pháp, hướng dẫn đồ chúng.
Trong số đệ tử được Thiền sư Hương Hải thế độ xuất gia có bà Sa-di-ni Diệu Chân (thân quyến của Đông Triều hầu Trần Đình Ân, người được chúa cử chỉ huy việc xây cất chùa Hòa Vinh - Thiền Tịnh Viện ở Quy sơn). Bà Diệu Chân y chỉ tu hành với thiền sư gần hai mươi năm. Năm 1682, do bị nghi ngờ nên ngài Minh Châu - Hương Hải phải cùng đồ chúng đóng thuyền vượt biển ra Bắc. Sau đó, ở Bắc Hà, ngài đã được chúa Trịnh cho về trú trì chùa Nguyệt Đường ở Hưng Yên. Bà Diệu Chân viên tịch tại đây, hiện còn lưu lại mộ tháp trong vườn chùa.
Đến đời Minh vương Nguyễn Phước Chu (Thiên Túng đạo nhân, 1691-1725), nhận thấy Phật giáo Đàng Trong chưa đủ nhân duyên tổ chức được tam đàn đại giới đúng pháp “tứ Yết-ma”, nên vào năm 1695, chúa đã cử Quốc sư Quả Hoằng - Hưng Liên qua Quảng Đông cung thỉnh danh tăng Thạch Liêm Thích Đại Sán đến Thuận Hóa. Quốc chúa đã ủng hộ việc lập Đại giới đàn quy mô tại chùa Thiền Lâm để truyền giới Sa-di, Tỳ-kheo, Bồ-tát giới cho vương thất và hàng ngàn giới tử xuất gia lẫn tại gia. Rất tiếc, trong Phật sự hi hữu này cũng không thấy truyền giới Cụ túc cho Ni chúng. Chỉ có các bậc nữ lưu quyền quý trong nội phủ cầu thọ tại gia Bồ-tát giới.
Thời Định vương Nguyễn Phước Thuần (Khánh Phủ đạo nhân, 1765-1777), triều chính rối loạn vì nạn ngoại thích, quyền thần, phong trào Tây Sơn nổ ra. Quân Trịnh thừa cơ đem quân vượt sông Gianh chiếm đô thành Phú Xuân, Định vương cùng triều thần chạy vào miền Nam tránh loạn. Quốc mẫu Nguyễn Thị Ngọc Cầu (1734-1804) ở lại Phú Xuân, xuống tóc ẩn tu ngoài dân gian.
Sau khi toàn thắng quân Tây Sơn, thống nhất đất nước, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, xưng niên hiệu là Gia Long (1802-1819), vua đã cho kiến tạo ngôi chùa Phước Thành ở làng An Cựu để làm nơi tu niệm cho bà Ngọc Cầu và tấn tôn bà là “Thiệu Long giáo chủ, Huệ Tịnh thánh mẫu nguyên sư”. Bà viên tịch năm 1804, hiện nay bảo tháp của bà vẫn còn được bảo tồn phía sau chùa Phước Thành, bia chí trên tháp ghi rõ “Thọ Sa-di-ni thập giới, tôn thượng Huệ Tịnh thánh mẫu nguyên sư, hiệu Thiệu Long giáo chủ chi tháp”. Đến nay, dân chúng quanh vùng An Cựu vẫn gọi chùa, tháp là chùa Bà Sư và tháp Bà Sư.
Đồng thời với Huệ Tịnh nguyên sư còn có bà Công Nữ Nguyễn Phước Ngọc Tuyên (trưởng nữ của Võ vương Nguyễn Phước Hoạt). Sau biến cố Phú Xuân thất thủ năm Giáp Ngọ (1774), nước mất nhà tan, bà xuống tóc xuất gia ở chùa làng Vân Dương (huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), hiệu là Vân Dương ni cô, dân gian gọi là Bà vãi Vân Dương. Đương thời, vua Gia Long rất kính trọng bà, thường ban thưởng rất hậu. Bà viên tịch năm 1809, thọ 72 tuổi.
Bước sang thế kỷ XIX, dưới các triều vua Gia Long (1802-1819), Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), luật lệ, gia pháp trong cung đình rất nghiêm ngặt. Phụ nữ hoàng tộc không được phép xuống tóc xuất gia. Điển hình là trường hợp của Trưởng công chúa Long Thành (Nguyễn Thị Ngọc Tú, 1759-1828).
Bà là chị cả của vua Gia Long, chạy loạn vào Nam, kết hôn với Lê Phước Điển, bộ tướng của vua Gia Long. Năm 1783, chồng bà bị quân Tây Sơn bắt được giết chết. Thân quyến thấy bà còn trẻ, không con nên khuyên bà tái giá. Bà từ chối mà bảo rằng: “Điển làm tôi còn biết tử tiết, ta là vợ người sao dám có chí khác. Bao giờ lấy lại kinh đô cũ, ta nên xuất gia thờ Phật thôi” [1]. Dưới triều Gia Long, bà thường tâu xin vua cho phép được theo lời nguyện cũ, nhưng vua thương chị nên nhất quyết không chấp thuận, mà cho xây dựng phủ đệ ở làng Dương Xuân để bà được tại gia tu niệm. Bà quy y và thọ tại gia Bồ-tát giới với Hòa thượng Thiệt Thành - Liễu Đạt và được ban pháp danh là Tế Minh, hiệu Thiên Nhựt.
Đến triều Minh Mạng, bà lại xin được xuống tóc xuất gia, nhưng vua cũng không đồng ý. Đến lúc bà lâm bệnh nặng, vua ngự đến phủ thăm viếng, bà khóc mà bảo rằng: “Cắt tóc đi tu để thờ Phật là chí nguyện bình sinh, lòng ấy chưa được thỏa, xin bệ hạ cho được trọn nguyện. Sau khi tôi chết, xin đừng để tóc, khâm liệm bằng áo cà-sa, tôi ở dưới chín suối cũng được mãn nguyện” [2]. Vua cảm động lắm, bàn với Kiến An công Nguyễn Phước Đài, ông Đài tâu: “Thân thể tóc da là của cha mẹ cho, lúc sống phải giữ toàn, chết về cũng phải để toàn, thế là lễ vậy. Bệ hạ trị thiên hạ, nên theo chính đạo bỏ dị đoan, điều bà chúa muốn không nên theo” [3]. Vua nghe theo lời tâu trình của Kiến An công, ra lệnh cho Bộ Lễ lo liệu việc tang nghi trọng thể, đồng thời truy tặng tước hiệu là Long Thành thái trưởng công chúa, thụy Trinh Tịnh và đặc ân cho xây cất tẩm mộ theo hình thức bảo tháp của tu sĩ Phật giáo.
Sinh thời, công chúa Long Thành hết lòng sùng kính Tam bảo, đóng góp công đức rất lớn cho chùa Từ Ân (Gia Định) và Quốc Ân (Huế). Do đó, tại hai tổ đình này đều có lập linh vị để tưởng niệm bà, trên đó ghi rõ: Thích môn hộ giáo hoàng cô, thọ Bồ-tát giới, pháp danh Tế Minh, hiệu Thiên Nhựt chi vị”.
Nối tiếp chí nguyện xuất gia, trong nữ giới hoàng tộc còn có công chúa Định Hòa (Nguyễn Phước Ngọc Cơ, 1808-1856). Bà là con gái thứ mười ba của vua Gia Long, mẹ là Mỹ nhân Nguyễn Thị Vĩnh, hạ giá với phò mã Nguyễn Huỳnh Thành, con trai Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Sau khi chồng con đều mất sớm, bà phát tâm trùng kiến chùa Đông Thuyền, một ngôi cổ tự trên vùng đồi núi Dương Xuân do Thiền sư Tế Vĩ khai sơn năm 1767, để tu niệm. Bà cung thỉnh Thiền sư Tánh Thông - Giác Ngộ làm trụ trì và cầu ngài thế độ, truyền giới Sa-di-ni, và được ban pháp danh là Hải Châu, tự Thiện Hương. Bà viên tịch năm 1856, thọ 49 tuổi. Vua Tự Đức truy tặng bà tước hiệu là Định Hòa thái trưởng công chúa, thụy Đoan Nhàn.
Kế tục công chúa Định Hòa là bà Sa-di-ni Hải Thông (1813-1889). Bà có thế danh là Công Nữ Ngọc Viên, con gái thứ hai của Kiến An vương Nguyễn Phước Đài, mẹ là bà “phủ thiếp” (…) thị Nhu, pháp danh Hải Hòa, tự Đức Tánh.
Lớn lên bà được song thân hứa hôn nhưng không may vị hôn phu của bà mất sớm. Hiểu lý vô thường, bà tìm đến chùa Tường Vân xin đầu sư xuất gia và thọ Sa-di-ni giới với ngài Tánh Hoạt-Huệ Cảnh, được ban pháp danh Hải Thông, tự Đạo Ý, hiệu Viên Thông. Sau đó bà được cô ruột là Sa-di-ni Hải Châu (công chúa Ngọc Cơ) mời về an trú tu niệm tại chùa Đông Thuyền. Năm 1856, Sa-di-ni Hải Châu viên tịch, di chúc cho bà kế thế làm tự chủ chùa Đông Thuyền.
Bà cho mời thân mẫu của Như Như đạo nhân (Nguyễn Phước Hồng Vịnh, con trai Trấn Biên quận công Miên Thanh) là bà Thanh Tâm đến ở chùa Đông Thuyền để cùng tu tập. Hai bà rất tương đắc, thường bàn kinh luận đạo, giữ gìn phạm hạnh nổi tiếng đương thời. Vua Đồng Khánh (1885-1888) nghe tiếng ban thưởng cho bà một tấm ngân bài ghi “Tiết hạnh khả phong” kèm nhiều vật quý. Bà viên tịch năm 1889, hưởng thọ 76 tuổi, nhục thân nhập bảo tháp xây trong vườn chùa.
Ni trưởng Diên Trường - "Bậc giải thoát hào kiệt"
(tranh thờ tại chùa Trúc Lâm, Huế - Ảnh tư liệu của Nghi Thủy)
Ngoài ra, nữ giới cung đình còn có bà Tỳ-kheo-ni Hải Bình (1839-?). Bà là con gái của viên cai đội Cảnh Tất Nguyễn Cửu Bình, người Tống Sơn, Thanh Hóa, được tiến cung hầu vua Tự Đức (1848-1883). Bà nổi tiếng tài hoa, đàn ca đứng đầu trong cung nội. Năm 25 tuổi (1864), bà cầu Thiền sư Tánh Hoạt-Huệ Cảnh thọ ký và được ban pháp danh là Hải Bình, tự Khiết Bạch. Do luật lệ trong cung, không được phép xuất gia nên bà chỉ nghiêm trì mật hạnh, tu tập bái sám, đặc biệt bà có giọng tụng kinh trầm bổng, âm điệu tuyệt diệu, và lấy đó làm niềm an lạc nơi chùa Hoằng Ân trong chốn cung đình.
Tự Đức băng hà, sau khi làm lễ ninh lăng, bà lên hầu ở Khiêm lăng. Vua Hàm Nghi lên ngôi (6-1884), bà theo lệ xin trở về chùa Tổ, y chỉ với pháp huynh (Giáo thọ A-xà-lê Hải Toàn-Linh Cơ), được xuống tóc và giao phó phụ trách việc hương đăng tại chùa Tường Vân. Từ đó, bà chuyên tâm tu hành, chuyên trì kinh Pháp hoa hơn 10 năm chẳng hề xuống núi giao thiệp với đời. Năm Thành Thái thứ 3 (1891), bà được Hoàng thái hậu Từ Minh triệu vào chùa Hoằng Ân lập đàn tụng kinh cầu an và được ban một bộ cà-sa bằng gấm bảy màu dệt chỉ vàng, đó được xem là một vinh dự lớn lao.
Năm Thành Thái thứ 6 (1894), bà đến cầu thọ giới cụ túc (Tỳ-kheo-ni) tại Giới đàn chùa Báo Quốc do Thiền sư Diệu Giác (Hải Thuận-Lương Duyên) làm Đường đầu Hòa thượng. Sang năm sau (1895), Thiền sư Linh Cơ nhận thấy bà tuổi cao sức yếu nên miễn cho bà thôi lo việc hương đăng để chuyên tu niệm, đến khi đã ngoài 60 tuổi hàng ngày bà vẫn chuyên trì miên mật kinh Pháp hoa. Bà được ca ngợi là vị có đức hạnh bậc nhất trong hàng Ni giới đương thời, xứng đáng làm gương mẫu cho người đời sau.
Kế đó là bà Tỳ-kheo-ni Hải Đăng, thế danh là Đào Thị Để, thân phụ là Hùng Oai tướng quân Đào Duy Tâm, nguyên quán ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà được nhập cung năm Tự Đức thứ 8 (1855). Sau khi vua Tự Đức băng hà, bà đến chùa Tường Vân đảnh lễ Hòa thượng Huệ Cảnh cầu xuất gia, thọ giới Sa-di-ni, pháp danh là Hải Đăng.
Năm Thành Thái thứ 6 (1894), bà được bổn sư cho phép thọ giới Tỳ-kheo-ni tại Giới đàn Báo Quốc do ngài Diệu Giác làm Đàn đầu. Sau khi đắc cụ túc giới, bà được cử về trùng tu chùa Sư Lỗ thượng (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế).
Phật sự viên thành, bà trở về tổ đình Tường Vân hành trì giới luật nghiêm túc cho đến ngày viên tịch. Tháp mộ của bà hiện còn tại Cồn Tốt, Sư Lỗ thượng, xã Phú Hồ.
Tiếp đó là Tỳ-kheo-ni Diên Trường (1863-1925), bà có thế danh là Hồ Thị Nhàn, con gái của cụ Hồ Đắc Tuấn và Công Nữ Thức Huấn (con gái Tùng Thiện vương), nguyên quán ở làng An Truyền, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Bà thành hôn với ông Nguyễn Đôn Lý, sanh được một con trai và một con gái. Sau khi chồng và con trai qua đời sớm, bà phát tâm xuất gia tu học. Năm 1898, bà lên chùa Từ Hiếu đảnh lễ Thiền sư Hải Thiệu-Cương Kỷ cầu được thế độ xuất gia và được thiền sư chấp thuận. Bà được truyền giới Sa-di-ni, pháp danh Thanh Linh, pháp tự Diên Trường, từ đó bà chuyên tâm tu tập, nghiêm trì giới luật.
Năm 1910, bà được bổn sư cho phép vào Quảng Nam thọ giới cụ túc tại Đại giới đàn do ngài Vĩnh Gia làm Đường đầu Hòa thượng. Sau khi đắc giới, Ni sư về tịnh tu tại chùa Phổ Quang, nổi tiếng giới đức trang nghiêm. Bà kiến tạo chùa Trúc Lâm tại đồi Dương Xuân thượng (thuộc làng Thuận Hòa, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy), cung thỉnh Đại sư Giác Tiên đến khai sơn trú trì để y chỉ với đại sư tu học. Ngoài ra, Ni sư Diên Trường còn lập riêng một Ni xá để quy tụ các tu nữ khi đó chưa thọ đại giới như Chơn Hướng, Diệu Hương, Giác Huệ… đến tu học theo hình thức gia giáo.
Năm 1924, sơn môn khai Đại giới đàn để chúc thọ vua Khải Định tại tổ đình Từ Hiếu, nhân dịp Tứ tuần đại khánh. Tại giới đàn này, Ni sư đã được cung cử làm Y chỉ sư cho Ni chúng cầu thọ giới Sa-di-ni và Tỳ-kheo-ni. Năm 1925, đúng vào dịp Đại lễ Phật đản, sau khi tụng xong bộ kinh Pháp hoa, Ni sư an nhiên thị tịch, hưởng thọ 64 tuổi, 15 hạ lạp. Bảo tháp của Ni sư được xây dựng trong khuôn viên chùa Trúc Lâm.
Thiền sư Viên Thành cảm phục đạo nghiệp của Ni trưởng Diên Trường nên đã viết bài minh tán thán là “Bậc giải thoát hào kiệt”, tinh tấn, giữ giới nghiêm mật và luôn hành trì Bát kỉnh pháp.
Lần giở sử sách, ngày nay chúng ta có thể thể thấy rõ quá trình hình thành và phát triển hội chúng Tỳ-kheo-ni trong vòng 400 năm qua trên vùng đất Thuận Hóa (từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế). Thời các chúa Nguyễn (1558-1775), Phật giáo ở Đàng Trong được chính quyền ủng hộ nên phát triển nhanh chóng, tuy nhiên giới nữ tu vẫn chưa đủ thuận duyên để hình thành chính thức, đúng pháp. Hơn 200 năm chỉ ghi nhận được hai vị xuất gia thọ giới Sa-di ni là bà Diệu Chân và bà Diệu Tịnh (Nguyễn Thị Ngọc Cầu).
Bảo tháp của Sa-di-ni Hải Châu (Công chúa Định Hòa Nguyễn Phước Ngọc Cơ) và thân mẫu
Nhà Nguyễn thống nhất đất nước, dưới triều vua Gia Long (1802-1819), Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), luật lệ, gia pháp nghiêm khắc đối với nữ giới. Tiêu biểu là trường hợp của công chúa Long Thành, đến khi chết vẫn không được toại nguyện xuống tóc xuất gia. Ngoài dân gian, đa số phụ nữ không được học hành, chùa chiền dành cho Ni giới chưa có, đại giới đàn không tán thành việc truyền giới Tỳ-kheo-ni.
Từ thời Tự Đức (1848-1833) về sau, công chúa Định Hòa (Nguyễn Phước Ngọc Cơ) là người phụ nữ hoàng tộc đầu tiên được phép xuống tóc xuất gia thọ mười giới, tức Sa-di-ni Hải Châu. Năm 1894, Hòa thượng Diệu Giác (Hải Thuận-Lương Duyên) tâu xin vua Thành Thái cho phép mở Đại giới đàn tại chùa Báo Quốc. Chính trong giới đàn này, hội đồng thập sư đã chấp thuận truyền trao giới Tỳ-kheo-ni.
Tiếp đến năm 1910, Sa-di-ni Diên Trường được thọ Đại giới tại Giới đàn Vĩnh Gia, Quảng Nam. Bà đã khai sinh Ni xá Trúc Lâm để hướng dẫn các vị tu nữ. Năm 1924, trong Giới đàn Từ Hiếu, Tỳ-kheo-ni Diên Trường được công cử làm Y chỉ sư cho nữ giới tử cầu thọ giới cụ túc như các vị NT. Diệu Hương, Hướng Đạo, Giác Huệ v.v... Từ đây khi hội đủ nhân duyên, các bà đã được ủng hộ tài lực để xây dựng Ni tự Diệu Viên, Ni trường Diệu Đức để giáo dục, đào tạo Ni chúng khắp đất nước về quy tụ.
Ngày nay, hầu hết chư vị Ni trưởng trưởng thành trong giai đoạn đầu tiên và thời kỳ chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX đã về cõi Phật, những vị Trưởng lão Ni vẫn còn trụ thế như đang là những cây đại thụ không ngừng tỏa bóng mát từ bi giới hạnh cho Ni chúng nương nhờ.
Hội chúng Tỳ-kheo-ni thành tựu đúng pháp phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng nhờ các vị Ni trưởng tài đức, học hạnh kiêm toàn đã đem hết thân tâm phục vụ Chánh pháp, để cùng chư tôn thiền đức hoạt động chấn hưng Phật giáo, xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó chính là dấu ấn rạng rỡ lâu dài của hội chúng Tỳ-kheo-ni Thừa Thiên Huế.
Trần Đình Sơn
_____________ [1,2,3]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T.2, tr.313, Nxb Giáo Dục, 2007.
Tài liệu tham khảo:
• Ban Trị sự GHPG tỉnh Thừa Thiên Huế. Kỷ yếu ra mắt Phân ban Đặc trách Ni giới tỉnh Thừa Thiên Huế (nhiệm kỳ 2012-2017). Nxb Thuận Hóa, 2012.
• Bhikkhu Bodhi. Sự phục hồi của hội chúng Tỳ-khưu-ni trong truyền thống nguyên thủy, Tỳ-khưu-ni Pháp Hỷ (Dhammananda) dịch. Nxb Tôn Giáo, 2010.
• Hàm long sơn chí, tục biên. Bản chữ Hán viết tay của Như Như đạo nhơn, triều Thành Thái (1889-1907).
• Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tiền biên, chánh biên. Bản dịch Viện Sử học, Nxb Hà Nội, 2002.
• Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện, tiền biên, chánh biên. Nxb Thuận Hóa, 1993.
• Tỳ-kheo-ni Thích Như Nguyệt (chủ biên). Hành trạng chư Ni Việt Nam. Nxb Tôn Giáo, 2007.
• Thích Hải Ấn (chủ biên). Lịch sử Phật giáo xứ Huế. Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2006.
• Tỳ-kheo-ni Như Đức. Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam. Nxb Tôn Giáo, 2009.