Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Thọ (1940-2023)
Trưởng lão Hòa thượng
Thích Tâm Thọ
(1940-2023)

Tiểu sử

Bản thân Ngài chỉ nhất tâm tham thiền niệm Phật, di dưỡng pháp thân an lạc mỗi ngày. Tuy nhiên, do niên cao lạp trưởng, nên vào những ngày đầu xuân năm Quý Mão, Ngài đã thị hiện bệnh duyên và an nhiên thu thần viên tịch vào lúc 14 giờ 20 phút, ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão, nhằm ngày 04 tháng 02 năm 2023 tại Thiền đường Tổ đình Vạn Phước Huế. Trụ thế 84 tuổi đời và 58 hạ lạp.
 
TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM THỌ (1940 - 2023)
 
 
Giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế
Chứng minh Môn phái Tổ đình Tây Thiên
Trùng hưng Tổ Đình Vạn Phước - Huế; Chùa Châu hoằng Liên xã - Hương Trà
Khai sơn Phong Điền Phước Lâm tự; Trùng kiến Quang Minh cổ tự
 
 
1. Thân thế:
 
Hòa thượng Thích Tâm Thọ, thế danh Hồ Văn Chu, sinh năm Canh Thìn, nhằm ngày 24 tháng 04 năm 1940 tại làng Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thân phụ là cụ ông Hồ Văn Lự, Pháp danh Nguyên Cần, tự Tâm Tư, thân mẫu là cụ bà thọ Thập thiện giới Nguyễn Thị Giữa, Pháp danh Nguyên Trung, tự Diệu Tín. Gia đình Hòa thượng có 05 trai và 01 gái, Hòa thượng là con trai út trong gia đình. Vốn sinh trưởng trong gia đình nhiều đời kính tín Tam Bảo nên lúc thiếu thời Ngài tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử Ưu Điềm, nơi tiếp nhận tinh thần và trụ sở An Nam Phật học hội huyện Phong Điền lúc bấy giờ, nhờ vậy mà Hòa thượng đã nuôi lớn hạt mầm Bồ đề, ý chí xuất gia học đạo cũng có từ đó.
 
2. Xuất gia tu học:
 
Năm 21 tuổi (Tân Sửu - 1961), vào ngày mồng 6 tháng 02, được sự đồng ý của song thân phụ mẫu, Hòa thượng đã vào Thuận Hóa đến núi Bình An xin xuất gia, đầu sư học đạo với Đại lão Hòa thượng Tâm Cảnh hiệu Giác Hạnh, Trú trì Tổ đình Vạn Phước - Huế.
Ngày 08 tháng 4 năm Quý Mão (1963), tại chùa Vạn Phước - Huế, Hòa thượng được Bổn sư truyền thụ Sa di thập giới, được Tổ sư ban pháp danh là Nguyên Truyền, pháp tự Thích Tâm Thọ .
Cần mẫn hầu thầy và chăm lo tu học, quán xuyến mọi Phật sự tại Tổ Đình, duyên lành hội đủ nên vào năm Ất Tỵ (1965), Hòa thượng được Hòa thượng Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Vạn Hạnh, được tổ chức ở chùa Từ Hiếu - Huế. Một năm sau khi thọ Đại giới (1966), Hòa thượng được cử đảm trách chức vụ Tri sự Tổ đình. Với sự tinh chuyên tu học, phụng sự Tam Bảo của Hòa thượng nên vào Phật lịch 2515, dương lịch 1972, nhằm khuya ngày mồng 09 tháng 02 năm Nhâm Tý, tại Tổ đường chùa Tổ Tây Thiên, dưới sự chứng minh của quý Trưởng Lão Tông môn, Hòa thượng đã được Bổn sư truyền trao kệ Phú pháp, đắc Pháp đại sư, nối tiếp dòng Thiền Lâm Tế đời 44, đời thứ 10 Thiền chi Liễu Quán, với kệ Phú pháp như sau:
 
覺源真寔道
覺行密顯宣
妙用玄空理
玄豐心授傳
 
“Giác Nguyên chơn thiệt đạo Nghĩa là: Bản giác vốn là đạo
Giác Hạnh Mật Hiển tuyên Giác Hạnh Mật hiển tuyên
Diệu dụng huyền không lý Lý không làm diệu dụng
Huyền Phong Tâm Thọ truyền” Tâm Thọ đắc Huyền Phong
 
Năm 1993 khi Pháp huynh của Ngài là Hòa thượng Tâm Hướng vì tuổi già sức yếu đã cung cử Hòa thượng đảm trách Trú trì Tổ đình Vạn Phước - Huế. Kể từ khi tiếp tục sự nghiệp của chư vị Tổ sư, Hòa thượng đã lo tiếp Tăng độ chúng, trùng hưng và xây dựng Tổ đình. Một số công trình đã được Hoà thượng sửa sang và xây dựng mới làm cảnh quang Tổ Đình ngày thêm quang huy, xán lạn.
 
03. Hoạt động Phật sự và tham gia Ban Trị sự:
 
Từ khí còn là Huynh trưởng GĐPT cho đến lúc làm vị tỷ kheo xuất gia tu học Hòa thượng luôn tâm niệm phụng sự Đạo pháp và phục vụ xã hội. 
Năm 1997, nhận lời cung cử của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Ngài đảm trách Ủy viên Ban Trị sự, Chánh Đại diện Phật giáo huyện Hương Trà. Thời kỳ này Phật giáo Hương Trà còn nhiều khó khăn, Ban Đại diện chỉ có 05 vị, địa bàn lại rộng khắp, nhưng với tâm huyết phụng sự Ngài đã không quản ngại nắng mưa, luôn bám sát các đơn vị NPĐ để hướng dẫn Đạo hữu tu học, gây dựng các đơn vị NPĐ, đưa Phật giáo Hương Trà dần ổn định tạo điều kiện cho sự phát triển sau này.
Năm Canh Thìn (2000), Ban Trị sự GHPG tỉnh Thừa Thiên - Huế, cung cử Hoà thượng làm Trú trì Chùa Châu Hoằng Liên Xã ở làng Lại Bằng xã Hương Vân huyện Hương Trà. Trên cương vị Trú trì Hòa thượng đã đại trùng tu, xây dựng mới hoàn toàn các hạng mục như chánh điện, nhà hậu Tổ, Quan Âm các, Thế Chí đài, Di Lạc điện, La hán viên, hội trường, trai đường...biến Châu Hoằng từ vùng hẻo lánh, xuống cấp thành ngôi phạm vũ trang nghiêm, thập phương thường xuyên chiêm bái tu học. Ngoài việc chăm lo Phật sự của Giáo hội, Hòa thượng đã liên hệ xây dựng Chùa mới cho nhiều đơn vị NPĐ, như Quê Chữ, Nam Thanh, Hương Bình, Long Khê... Hòa thượng cũng là vị Khai sơn chùa Vạn Thiện ở Long Thành - Đồng Nai, đồng Khai sơn chùa Phước Lâm - chùa huyện Giáo hội Phong Điền, trùng kiến Quang Minh cổ tự, chứng minh cố vấn Hội Thượng cổ tự, Ưu Đàm cổ tự...tại huyện Phong Điền. 
Năm 2007, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2007-2012, Hòa thượng được cung thỉnh vào hàng Giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế.
Với giới hạnh tinh nghiêm, cần mẫn tu học và phụng sự Đạo Pháp - dân tộc, chăm lo tiếp Tăng độ chúng nên Hòa thượng luôn được Giáo hội tỉnh nhà cung cử vào Ban Kiến đàn, rồi cung thỉnh vào hàng Thập sư tại các Giới đàn, như Liễu Quán, Tử Dung, Từ Đàm, Giác Phong...do Giáo hội tỉnh nhà tổ chức tại Huế. Vào các mùa an cư kiết hạ năm 2019 đến nay, để Tăng Ni trú xứ tỉnh Thừa Thiên Huế nương vào giới đức thanh tịnh của bậc cao Tăng nên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và Tăng Ni trú xứ tỉnh nhà đã cung thỉnh Ngài vào ngôi vị Y chỉ trú xứ luật sư. Năm 2023, tại Đại Giới Đàn Mật Hiển, Ban Trị sự và Ban Kiến đàn đã cung thỉnh Hòa thượng vào Ngôi vị Chứng minh Đại giới đàn. Hiện nay Hòa thượng là Giáo phẩm chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Việt Nam Thừa Thiên Huế; Chứng minh cố vấn Ban Trị sự Phật giáo thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền.
Đệ tử truyền thừa của Cố Hòa thượng có đến 15 vị Tỷ kheo, và 32 vị Tỷ kheo ni thọ ngũ giới với hàng ngàn Phật tử tại gia. Hiện nay đã có những vị đệ tử xuất gia đã và đang tham gia vào Ban Trị sự Phật giáo các cấp, tham gia hoạt động tại các trung tâm văn hóa Phật giáo, giảng dạy và thuyết pháp khắp các địa phương như Thượng tọa Ngộ Đạo, Thượng tọa Ngộ Tùng, Thượng tọa Thích Ngộ Chơn....
 
04. Những năm tháng cuối đời:
 
Hòa thượng là tấm gương hoạt động Phật sự không biết mệt mỏi, luôn được các bậc tôn túc thương yêu đồng sự, và sự kính thương của mọi giới đồng bào Phật tử, cho nên các Phật sự đều hoàn thành như tâm nguyện. Tuy nhiên Pháp thân của Ngài cũng đã đến lúc khiếm an,  năm 2018, sau cơn tai biến nhẹ và nhập viện điều trị, Ngài đã triệu tập chúng đệ tử để phân công các Phật sự trong Tổ đình, giao Thượng tọa Thích Ngộ Tùng làm Giám Tự Tổ đình Vạn Phước Huế để điều hành mọi công tác Phật sự chốn Tổ, quý Thượng tọa, Đại đức khác phụ trách các chùa trực thuộc để duy trì, hưng thịnh thiền môn, xương minh Đạo Pháp.
Bản thân Ngài chỉ nhất tâm tham thiền niệm Phật, di dưỡng pháp thân an lạc mỗi ngày. Tuy nhiên, do niên cao lạp trưởng, nên vào những ngày đầu xuân năm Quý Mão, Ngài đã thị hiện bệnh duyên và an nhiên thu thần viên tịch vào lúc 14 giờ 20 phút, ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão, nhằm ngày 04 tháng 02 năm 2023 tại Thiền đường Tổ đình Vạn Phước Huế. Trụ thế 84 tuổi đời và 58 hạ lạp.
 
NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO THỪA THIÊN TỈNH GIÁO HỘI TRỊ SỰ BAN CHỨNG MINH GIÁO PHẨM, TÂY THIÊN MÔN PHÁI CHỨNG MINH, LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP TỨ THẾ TRÙNG HƯNG VẠN PHƯỚC TỔ ĐÌNH, CHÂU HOẰNG LIÊN XÃ NHỊ TỰ TRÚ TRÌ, KHAI SƠN PHONG ĐIỀN PHƯỚC LÂM TỰ, TRÙNG KIẾN QUANG MINH CỔ TỰ HÚY THƯỢNG NGUYÊN HẠ TRUYỀN TỰ TÂM THỌ HIỆU HUYỀN PHONG TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH 
TÁC ĐẠI CHỨNG MINH
 
 
Môn đồ pháp quyến
Tiểu sử các chư tôn thiền đức
Xem cỡ chữ:
Phương tiện: 0
Xuất phát: 39