Chín năm (1964-1973) ở ngôi vị lãnh đạo tối cao này, Ngài đã nhiếp phục được nội ma, ngoại chướng và vô cùng sáng suốt để nâng con thuyền Giáo Hội đến một thời kỳ hưng thịnh, đóng góp xứng đáng công sức vào trang lịch sử vàng son của Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại.
Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết thuộc Thiền phái Lâm Tế đời thứ 42 dòng Liễu Quán, tục danh Nguyễn Văn Kỉnh, sinh ngày 17/11/Tân Mão (1891), tại làng Dưỡng Mông Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Văn Toán và cụ bà Tôn Nữ Thị Lý. Ngài là con trai thứ ba trong gia đình, bẩm tính thông minh, năm 15 tuổi Ngài đã tinh thông Nho học rõ lẽ xuất xứ ở đời, nhưng với chí khí xuất trần, muốn vươn tới một phương trời cao rộng Ngài đã xin phép song thân được xuất gia tầm sư học đạo.
Năm 1905, Ngài xuất gia tại Tổ đình Tường Vân, làng Dương Xuân Hạ, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, và đã thọ giáo với Đại lão Hòa thượng Thanh Thái, hiệu Phước Chỉ, là đệ tam Tổ chùa Tường Vân, đời thứ 41 Thiền phái Lâm Tế. Ngài được ban pháp danh là Trừng Thông, tự Chân Thường.
Với bẩm tánh thuần thành, cốt cách đạo vị, Ngài đã vượt mọi thử thách cam go trong bước đầu hành đạo, tinh cần học hỏi chánh pháp với các bậc thạc đức cao Tăng trong chốn thiền môn, chuyên tâm thực hành giới-định-tuệ. Đến năm 19 tuổi (1910), đạo phong ngày càng tỏa rạng, Ngài được đặc cách miễn tuổi để thọ Cụ Túc giới tại Đại giới đàn Vĩnh Gia do tổ Vĩnh Gia đương vi Đàn Đầu, Hòa thượng Tâm Truyền đương vi Yết Ma và Hòa Thượng Hoàng Phú đương vi Giáo Thọ. Sau khi đắc giới Cụ Túc, Ngài trở về trú xứ phát nguyện lạy bộ Vạn Phật, mỗi chữ mỗi lễ, trong suốt ba năm liền.
Năm Bính Thìn (1916), Ngài nhận chức trú trì chùa Phước Huệ, thuộc phủ Tuy Lý Vương, thôn Vỹ Dạ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.
Đến năm Canh Thân (1920) ngài đắc pháp với Hòa thượng Bổn sư, được ban Đạo hiệu là Tịnh Khiết, kế vị Tổ đời thứ 42 thuộc Thiền phái Lâm Tế với bài kệ phú pháp như sau:
澄通心法本同然
付汝真常道志堅
非有非無所見
寂然開悟主人前.
“Trừng Thông tâm pháp bản đồng nhiên.
Phó nhữ Chân Thường đạo chí kiên.
Phi hữu phi vô phi sở kiến.
Tịch nhiên khai ngộ chủ nhơn tiền”.
Năm Nhâm Tuất (1922), sau khi cư tang nghiệp sư, Ngài cùng Hòa thượng Huệ Pháp theo học lớp Cao đẳng Phật học tại chùa Thiện Hưng, tham cứu kinh điển cùng Ngài Phước Huệ, chùa Thập Tháp trong suốt thời gian năm năm.
Năm Quý Dậu (1933), Hòa thượng Trừng Hương - Tịnh Hạnh, trụ trì chùa Tường Vân viên tịch, Môn Phái cung thỉnh Hòa Thượng đảm nhận chức vị trụ trì kế tiếp bào huynh.
Đầu năm Ất Hợi (1935), Sơn Môn tăng già Thừa Thiên mời Ngài giảng dạy và quản nhiệm lớp Trung Đẳng Phật Học tại chùa Tường Vân, một thời gian sau đó thì lớp này được chuyển lên sát nhập vào Phật Học Viện Tây Thiên.
Năm Mậu Dần (1938), sau khi xây dựng xong chùa Hội Quán Từ Đàm, An Nam Phật Học Hội cung thỉnh Hòa Thượng kiêm nhiệm trụ trì và Chứng Minh Đạo Sư cho Hội.
Đây cũng là thời kỳ Hòa Thượng thường giao lưu thân thiết với chư vị tôn túc trong Sơn Môn, như Hòa Thượng Đạo Chơn - Chánh Thống, Hòa Thượng Trừng Thanh - Giác Bổn… Ngoài ra, ngài còn có một người bạn tâm giao nữa là chí sĩ Sào Nam - Phan Bội Châu, lúc bấy giờ cụ Phan đang bị thực dân Pháp đưa về “an trí” tại Bến Ngự nên cụ thường lui tới viếng thăm và đàm đạo với Hòa Thượng. Trong một dịp cụ Phan vào chùa vấn đạo, Hòa Thượng đã biếu cụ một cây hoa ngọc lan để cụ đem về trồng nơi cụ đang bị “an trí”. Sau đó, Phan tiên sinh đem tặng Hòa Thượng một bài thơ tán thán mật hạnh vô vi của Ngài như sau:
Tiền thân chủng xuất tự bồng lai
Di hưởng bồ đề viện lý tài
Tố nhụy quang tranh đông dạ tuyết
Kỳ phương phẩm đoạt lãnh đầu mai
Hương chân vương giả thiên thùy thưởng
Trang tỷ thường nga nguyệt ám xai
Duy Phật tùng lai năng thức Phật
Ân cần huệ ngã thử hoa khai.
Năm Canh Thìn (1940), Sơn Môn tăng già Thừa Thiên cung thỉnh Hòa Thượng làm Giám Đốc Đạo Hạnh cho Viện Cao Đẳng Phật Học tại chùa Bảo Quốc. Đây là Trung tâm đào tạo Tăng tài cao nhất của Phật Giáo miền Trung lúc bấy giờ. Phật Học Viện đã mở đến lớp Siêu Đẳng và chương trình giảng dạy dự kiến kéo dài đến 10 năm.
Các Học Tăng xuất thân từ Viện Cao Đẳng này, về sau đều là những bậc Tăng già lỗi lạc của ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam hiện đại, như quý Hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Trí Quang, Thiện Siêu, Thiện Minh, Trí Tịnh, Trí Thành, Trí Thuyên, Hành Trụ… Qua năm Ất Dậu (1945) thì Đại Tòng Lâm Kim Sơn cũng phải giải thể vì những biến động chính trị đang liên tiếp xảy ra trên khắp đất nước.
Trở lại giữa năm Giáp Thân (1944), Sơn Môn tăng già Thừa Thiên cung thỉnh Hòa Thượng làm Yết Ma cho Giới Đàn tại chùa Thuyền Tôn. Giới Đàn này HT.Trừng Thủy - Giác Nhiên, trụ trì chùa Thuyền Tôn làm Đàn Đầu; HT.Như Thông - Đắc Ân, trụ trì chùa Quốc Ân làm Giáo Thọ và là Giới Đàn được khai giới lần cuối cùng trước khi cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ vào cuối năm Bính Tuất (1946). (Hòa Thượng Thích Mật Thể đắc Thủ Sa-di trong Giới Đàn này).
Đầu năm Đinh Hợi (1947), đất nước Việt Nam chuyển mình qua một giai đoạn lịch sử đầy biến động, đông đảo chư vị tăng già và cư sỹ tâm huyết đều nhận thấy ở giai đoạn này Phật Giáo cần phải tìm phương tiện khế lý, khế cơ để điều hợp mọi năng lực cho công cuộc hoằng dương và hộ trì chánh pháp. Nhờ tinh thần dõng mãnh và chí nguyện son sắt của quý ngài mà “Sơn Môn Tăng Già Trung Việt” hình thành và toàn thể chư Tăng đại biểu ở miền Trung đã long trọng suy tôn Hòa Thượng lên ngôi vị TÒNG LÂM PHÁP CHỦ TRUNG VIỆT.
Trong thời gian bốn năm (1947-1951) ở ngôi vị Pháp Chủ, Hòa Thượng đã không ngừng nỗ lực cùng với An Nam Phật Học Hội xiển dương chánh pháp, đào tạo tăng tài, tổ chức các Đạo Tràng Phật Học, các Khuôn Tịnh Độ, các đoàn thể Thanh Thiếu niên Gia Đình Phật Tử trên khắp 17 tỉnh miền Trung.
Có thể nói hơn ba thập kỷ, kể từ khi cao trào Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam phát khởi, đến giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo đầy uy đức và vô cùng khôn khéo của Hòa Thượng mà Phật Giáo tại miền Trung và Huế đã phát triển đến mức khả quan. Sự nỗ lực lớn lao ấy, cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần và hoạt động của các tập đoàn tăng già và cư sỹ khắp cả 3 miền Bắc-Trung-Nam Việt Nam càng thêm đoàn kết, gắn bó keo sơn.
Năm Kỷ Sửu (1949), Sơn Môn tăng già Thừa Thiên cung thỉnh Hòa Thượng làm Đàn Đầu Hòa Thượng cho Đại Giới Đàn Hộ Quốc tại chùa Bảo Quốc, Huế với nhị vị HT.Trừng Thủy - Giác Nhiên, trụ trì chùa Thuyền Tôn làm Yết Ma, HT.Tâm Ấn - Viên Quang, khai sơn chùa Pháp Uyển Châu Lâm, làm Giáo Thọ.
Đây là một Giới Đàn được tổ chức sau hơn 5 năm bị gián đoạn, kể từ Giới Đàn tại chùa Thuyền Tôn năm Giáp Thân, 1944.
Ngày 06/05/1951 (Tân Mão), Ngài chứng minh và chủ tọa Hội nghị thành lập Giáo hội Tăng già Trung Việt tại Chùa Linh Quang, Huế, năm mươi mốt đại biểu của sáu hội Phật giáo Nam, Trung, Bắc họp tại chùa Từ Đàm, Huế quyết nghị thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Ngài được suy tôn Hội chủ. Đến ngày 07/09/1952, Ngài được bầu làm chủ tọa Đại Hội Phật Giáo Tăng Già toàn quốc họp tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Sự ra đời của Giáo Hội Tăng Già Trung Việt là bước tiến vững chắc dưới sự lãnh đạo tối cao của Hòa Thượng. Hội nghị này không chỉ đã duyên khởi cho Giáo Hội Tăng Già Việt Nam và Giáo Hội Tăng Già hai miền Nam-Bắc tiếp tục ra đời sau đó, mà còn thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ của Phật Giáo Việt Nam trước sự kiềm chế khắt khe mà các chính quyền lúc bấy giờ vẫn áp đặt qua Đạo Dụ số 10.
Cũng trong năm này, Hội Nghị Phật Giáo Toàn Quốc Việt Nam được long trọng tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế từ ngày 01 đến ngày 04/04/Tân Mão (ngày 06 đến ngày 09/05/1951). 51 vị Đại Biểu của 6 tập đoàn tăng già và cư sỹ (3 của tăng già và 3 của cư Sỹ) đã đồng tâm, nhất trí “thống nhất Phật Giáo” cả 3 miền Bắc-Trung-Nam Việt Nam thành một Tổng Hội dưới danh hiệu TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM (do bị kiềm chế bởi Đạo Dụ số 10, nên Phật Giáo Việt Nam giai đoạn này không được xưng danh là Giáo Hội). Hội nghị đã long trọng suy tôn Hòa Thượng lên ngôi vị HỘI CHỦ TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam có một Hội nghị được tổ chức trên bình diện quốc gia. Hội nghị không chỉ kế thừa mạng mạch truyền thống từ chư Lịch Đại Tổ Sư, mà còn thể hiện niềm tin sâu sắc cho Tăng Ni và Phật Tử vào tiền đồ hưng long của đạo pháp.
Vào ngày 01/05/Tân Mão (05/06/1951), trên cương vị Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Hòa Thượng vào chứng minh và chủ tọa hội nghị thành lập Giáo Hội Tăng Già Nam Việt tại chùa Hưng Long ở đường Ngã Sáu, Chợ Lớn. Hội nghị đã suy tôn HT.Đạt Thanh lên ngôi vị Pháp Chủ lâm thời, TT.Đạt Từ làm Trị Sự Trưởng và TT.Trí Ấn - Nhật Liên làm Tổng Thư Ký.
Đến ngày 07/08/Tân Mão (07/09/1951), Hòa Thượng được cung thỉnh ra chứng minh và chủ tọa hội nghị thành lập Giáo Hội Tăng Già Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Hội nghị đã suy tôn HT.Tuệ Tạng lên ngôi vị Thượng Thủ.
Qua năm Quý Tỵ (1953), Đại Hội kỳ II Giáo Hội Tăng Già Nam Việt lại cung thỉnh Hòa Thượng vào chủ tọa hội nghị và chứng minh lễ suy tôn HT. Thiện Hải - Huệ Quang lên ngôi vị Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt (Trong nhiệm kỳ I, 1951-1953, HT.Đạt Thanh được cung thỉnh làm Pháp Chủ lâm thời tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Ngài Đạt Thanh là Trưởng Đoàn Tăng Già Nam Việt ra tham dự Hội Nghị Phật Giáo Toàn Quốc Việt Nam tại chùa Từ Đàm, Huế năm Tân Mão, 1951).
Năm Bính Thân (1956), Đại hội kỳ II Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam khai mạc tại chùa Phước Hòa, trú sở của Hội Phật Học Nam Việt và họp ở chùa Ấn Quang từ ngày 21 đến 25/02/Bính Thân, (01 đến ngày 05/04/1956). Trong nhiệm kỳ II, nhân sự của Tổng Hội có phần thay đổi, nhưng Đại Hội vẫn tin tưởng và thành kính cung thỉnh Hòa Thượng lưu lại ngôi vị Hội Chủ. Đại Hội đã suy tôn HT.Thiện Hải - Huệ Quang làm Phó Hội Chủ. (Đại Hội này, tuy được tổ chức trong thời kỳ đất nước bị qua phân, nhưng phần đông chư Tăng trong Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Việt đã di cư vào Nam, nên vẫn có đầy đủ cả 6 tập đoàn).
Đây cũng là thời kỳ Phật Giáo tại miền Nam Việt Nam đang bị chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương tiêu diệt nên Phật Giáo Đồ nhiều nơi đã bị đàn áp, khủng bố. Tình hình đang có những diễn biến phức tạp và bất lợi cho Phật Giáo. Biện pháp rất trắng trợn và lộ liễu đầu tiên của chính quyền Ngô Đình Diệm là phủ nhận ngày đại lễ Phật Đản bằng cách loại bỏ ngày này ra khỏi danh sách các ngày lễ lớn của quốc gia được nghỉ trong năm.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo tối cao và vô cùng sáng suốt của Hòa Thượng, mọi hoạt động của Phật Giáo vẫn không ngừng phát triển. Tờ Nguyệt San Phật Giáo Việt Nam, cơ quan hoằng pháp của Tổng Hội ra đời, và những buổi phát thanh chương trình Phật Giáo trên Đài Phát Thanh Sài Gòn lúc bấy giờ đã tạo niềm tin vững chắc cho tăng ni và phật tử vào ngôi vị lãnh đạo tối cao của ngài.
Vào ngày 10/11/1956, với tư cách Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Hòa Thượng cùng với HT.Phó Hội Chủ Thiện Hải - Huệ Quang hướng dẫn phái đoàn Phật Giáo Việt Nam sang tham dự Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới lần thứ IV tại Nepal. Sau khi hội nghị bế mạc, Hòa Thượng cùng phái đoàn trở về thủ đô New Delhi, quan sát Hội Nghị Văn hóa Thế Giới, xem cuộc triển lãm nghệ thuật Phật Giáo và đi chiêm bái nhiều Phật tích ở Ấn Độ.
Trong dịp này, Hòa Thượng có cảm tác hai bài thơ chữ Hán, nội dung như sau:
1. Đạp tuyết phong vân quá hải hà
Du du hốt kiến lâu đài đa
Bảo tháp thất tầng kim tú lệ
Bồ đề thiên trượng ngọc bích hoa
Cảnh tối thâm u tần đáo tự
Duy thường ái tịch niệm Thích Ca
Nhân duyên Bồ Tát khai phương tiện
Nhiếp tận chúng sanh lễ Phật Đà.
2. Lâm quang tịnh mậu trước thi biên
Phật quốc ký du hữu đại duyên
Tận địa kim ngân triệt vũ trụ
Thanh phong châu ngọc mãn nhân gian
Bồ đề thành đạo trang nghiêm cảnh
Lộc Uyển sơ niên chuyển pháp tiên
Ấn Độ hoa khai chân tịnh xứ
Kỳ Viên trùng kiến tợ thiền thiên.
Năm Kỷ Hợi (1959), Đại Hội kỳ III Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam họp tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Thêm một lần nữa, chư tôn đức trong hội nghị vẫn tin tưởng và thành kính cung thỉnh Hòa Thượng tiếp tục đảm nhận ngôi vị Hội Chủ.
Sau Đại Hội này thì mọi sinh hoạt của Phật Giáo ngày càng chịu nhiều áp lực từ phía chính quyền. Những cuộc đàn áp, khủng bố liên tiếp xảy ra, nặng nề nhất là ở các tỉnh thuộc Trung Nguyên và Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ban Mê Thuột…
Trước tình hình nghiêm trọng ấy, vào ngày 02/02/1962 (06/01/Nhâm Dần), nhân danh Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Hòa Thượng đã ký một lúc hai văn thư gởi cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm và cho Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có đính kèm một tập hồ sơ ghi hơn 50 vụ Phật Giáo Đồ bị khủng bố, đàn áp tại các tỉnh nói trên. Trong văn thư, Hòa Thượng đã có lời chân thành khuyến cáo Tổng Thống và Quốc Hội: “Tôi muốn tránh cho lịch sử dân tộc một chấm đen, đồng thời muốn ngăn ngừa một tai họa cho quốc gia, khi mà hàng phật tử thấy cần bảo vệ đúng mức tôn giáo của mình”.
Thế nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm chẳng hề quan tâm đến những lời lẽ chân thành nhưng cũng không kém phần cương quyết của ngài. Sự khủng bố, đàn áp lại càng diễn ra khốc liệt hơn. Vì thế, cuộc đấu tranh của Phật Giáo giữa mùa hè năm Quý Mão (1963) đã bùng phát mạnh mẽ.
Hai ngày sau vụ đàn áp đẫm máu tại Đài Phát Thanh Huế, Bản Tuyên Ngôn 5 điểm của 5 cấp Trị Sự lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam được long trọng công bố tại chùa Từ Đàm, Huế vào ngày 10/05/1963, đã chính thức “mở màn” cho đại cuộc đấu tranh.
Suốt 178 ngày đêm diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt của Phật Giáo Việt Nam, trên cương vị lãnh đạo tối cao, bằng trí tuệ, tài năng và đức độ cao thâm của một bậc Tăng già 72 tuổi, Hòa Thượng đã dấn thân không mỏi mệt để dẫn dắt cho phong trào. Dù bị bạo quyền giam giữ, đọa đày, dù phải chịu đựng vô vàn gian khó, nhưng Hòa Thượng vẫn luôn đồng cam cộng khổ cùng chư tôn đức tăng ni và phật tử để phong trào sớm ngày thành tựu.
Ngày 01/11/1963, cuộc đấu tranh thành công, mở ra cho Phật Giáo Việt Nam con đường phát triển đầy sinh lực.
NGÔI VỊ TĂNG THỐNG GHPGVN:
Ngày 04/01/1964, Đại Hội của 11 Giáo Phái và Hội Đoàn Phật Giáo Nam-Bắc Tông đã long trọng tổ chức tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn. Đại Hội đã đồng tâm nhất trí thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Bản Hiến Chương của Giáo Hội ra đời, đã kế tục một cách tốt đẹp tinh thần “thống nhất” của Hội Nghị Phật Giáo Toàn Quốc Việt Nam tại chùa Từ Đàm, Huế năm Tân Mão, 1951. Đại Hội cũng đã long trọng suy tôn Hòa Thượng lên ngôi vị ĐỆ NHẤT TĂNG THỐNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT.
Cũng trong năm Giáp Thìn (1964), Đức Tăng Thống được cung thỉnh làm Đàn Đầu Hòa Thượng tại Đại Giới Đàn được tổ chức tại Việt Nam Quốc tự, Sài Gòn.
Ngôi vị Tăng Thống là kết tinh công hạnh của Ngài đã tận tụy suốt đời trong sứ mệnh phụng sự đạo pháp, dân tộc, nhân loại và chúng sinh.
Chín năm (1964-1973) ở ngôi vị lãnh đạo tối cao này, Ngài đã nhiếp phục được nội ma, ngoại chướng và vô cùng sáng suốt để nâng con thuyền Giáo Hội đến một thời kỳ hưng thịnh, đóng góp xứng đáng công sức vào trang lịch sử vàng son của Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại.
Chín năm Hòa Thượng ở ngôi vị Tăng Thống, cũng là chín năm đất nước Việt Nam đắm chìm trong khói lửa của cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam-Bắc. Chắc chắn Ngài thấy rõ và biết rõ hơn ai hết nỗi thống khổ của hàng triệu sinh linh.
Vì thế, trong suốt nhiều năm, bằng uy đức và hạnh nguyện của một vị lãnh đạo tôn giáo tối cao, Hòa Thượng đã không ngừng kêu gọi các nhà lãnh đạo đất nước, các thế lực tham chiến hãy chấm dứt chiến tranh, hóa giải hận thù và lập lại hòa bình để đem lại sự sống còn cho dân tộc, cho đất nước.
Trong Thông Điệp Đầu Xuân năm Mậu Thân (1968), có đoạn Ngài kêu gọi: “Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào Việt Nam hãy sáng suốt để tự cứu mình và cứu dân tộc. Sự chia rẽ tôn giáo, đảng phái, địa phương là mối nguy lớn làm tê liệt dân tộc ta, làm cho chúng ta mất chủ quyền và mất ánh sáng. Phải nhìn nhận rằng, nếu các thế lực bên ngoài có thể nhúng tay vào nội tình Việt Nam, phần lớn lỗi là ở chúng ta không biết thương nhau, không biết tới sự sống đích thực và kiêu hùng của dân tộc mà chỉ biết nghĩ tới quyền lợi và tự ái riêng tư”.
Đối với chính quyền của hai miền Nam-Bắc lúc bấy giờ, Ngài cũng kêu gọi đến tình dân tộc và lương tri của các nhà lãnh đạo.
Trong Thông Điệp ngày 20/06/1968, Ngài kêu gọi: “Chúng tôi kêu gọi Chính phủ của hai miền Nam-Bắc Việt Nam và các thế lực quốc tế có liên hệ tới cuộc chiến tranh Việt Nam, hãy ngưng những cuộc bắn giết dân chúng Việt Nam, hãy ngưng việc xô đẩy nhân dân Việt Nam vào vòng chiến tranh một cách cưỡng bách, ngụy trang dưới hình thức pháp lý hoặc lý tưởng này nọ. Xin hãy thành thật dùng “đường lối ngoại giao hòa bình” để sớm giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam, mà cơ hội đã mở ra tại hòa hội Paris”.
Cũng trong năm này, Đức Tăng Thống làm Đàn Đầu Hòa thượng cho Đại Giới Đàn tổ chức tại Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang. Đây là Giới Đàn quy tụ hơn 500 Giới Tử ở khắp cả hai miền Vạn Hạnh và Liễu Quán lúc bấy giờ.
Trong Thông Điệp Phật Đản 2513, Kỷ Dậu (1969), được gọi là “Thông Điệp Vì Sứ Mệnh Hòa Bình và Hóa Giải”, Ngài đã khẳng định: “Lịch sử đã chứng minh, dân tộc Việt Nam có sức hóa giải bền bỉ phi thường. Sức hóa giải đó là bản chất của dân tộc và cũng chính là bản chất Phật Giáo, vì Phật Giáo được xây dựng trên tinh thần trí tuệ, từ bi và hùng lực. Việt Nam vượt qua được giai đoạn bị đồng hóa là nhờ ở đức bao dung, sự đãi lọc và lòng kiên trì phát triển. Chính nhờ ở những căn bản quý giá đó mà đã hơn một lần Phật Giáo trợ duyên cho dân tộc hóa giải những lối sống xuất thế và nhập thế của các luồng tư tưởng Đông Phương, tạo ra sự quân bình tư tưởng cho Việt Nam dưới thời tự chủ Lý-Trần, kéo dài trên ba thế kỷ”.
Trong Thông Điệp gửi Hội Nghị Quốc Tế Về Tôn Giáo Và Hòa Bình tại Thụy Sĩ, tháng 10/1970, bằng những lời lẽ xác thực của hiện tình thế giới, Ngài nhấn mạnh: “Chỉ có hòa bình mới cứu được nhân loại trong cơn khủng hoảng hiện nay. Chỉ có hòa bình mới đem lại sự cảm thông, sự tương thân tương ái, sự thi đua phát triển giữa các đại-tiểu quốc, cũng như các giai tầng xã hội. Chỉ có hòa bình mới đem lại cho con người cơ hội vận dụng sức mạnh khoa học, kỹ thuật để phụng sự tốt đẹp cho con người”.
Đối với những nhà lãnh đạo các nước đang viện trợ, điều khiển cuộc chiến tranh tàn khốc tại Việt Nam, qua Thông Điệp Phật Đản 2516, năm Nhâm Tý (1972), Ngài tha thiết kêu gọi: “Tôi kêu gọi Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, ba đại cường đang ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc chiến tại Việt Nam và đang cung cấp vũ khí cho các phe đối chiến, hãy vì sự an nguy của thế giới, vì sự diệt chủng của một dân tộc mà tìm sự thỏa hiệp với nhau để ngưng cung cấp chiến cụ vào Việt Nam, rồi dùng thế lực của mình mà sớm kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi kêu gọi toàn thế giới, nhất là tổ chức Liên Hiệp Quốc, hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc vận động chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, để tạo sự quân bình cho thế giới”.
Trước nỗi thống khổ và loạn lạc vì chiến tranh chưa dứt, với lòng từ bi vô lượng, trong Thông Điệp Đầu Xuân năm Quý Sửu (1973), Ngài thiết tha kêu gọi: “Cuộc đời hiện hữu là một bể khổ mênh mông, tôi xin tất cả chúng ta, đừng bao giờ làm khổ mình, làm khổ thân quyến, làm khổ đồng loại, làm khổ chúng sinh. Vì tất cả đều đáng thương, đều cần phải sống xứng đáng cho trọn kiếp người, tất cả đều đáng tôn trọng và cần được phụng sự”.
Những lời kêu gọi tha thiết của ngài ở trên, cũng là pháp âm cuối cùng trước khi ngài an nhiên đi vào cõi Niết Bàn tịch tịnh.
NHIẾP HÓA ĐỒ CHÚNG:
Hơn 60 năm xả thân hoằng hóa, ngài đã thế độ cho gần 50 vị đệ tử xuất gia (gồm chư vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni); Ngài cũng đã truyền Ngũ Giới và Thập Thiện cho hàng vạn đệ tử tại gia.
Trong hàng đệ tử xuất gia của ngài, có nhiều vị đã làm nên những sự nghiệp lớn lao cho ngôi nhà Phật Giáo, như quý HT.Tâm Minh - Chơn Thiệt, Tâm Trí - Minh Châu, Tâm Từ - Chơn Quả, Tâm Ngộ - Chơn Thiện, Tâm Phú - Chơn Kim, Tâm Thành - Chơn Thức, Tâm Tân - Chơn Tế… và chư vị Tỳ kheo ni như Sư Bà Tâm Huệ - Viên Minh, Tâm Quang - Minh Đức, Tâm Định - Cát Tường, Tâm Từ - Diệu Tấn… (7)
Trong sự nghiệp nhiếp hóa đồ chúng, Hòa Thượng là vị Bổn Sư rất gần gũi và thương yêu đồ chúng. Ngài luôn tùy căn cơ, trình độ của mỗi người mà khuyên răn, dạy bảo. Chỉ một lời dạy ngắn gọn của Ngài “Gắng tự làm chủ lấy!” đã trở thành câu châm ngôn quý báu cho các đệ tử tâm niệm trong sự tu tập hàng ngày.
Đối với hàng tứ chúng xuất gia, ngài thường nhắc nhủ rằng: “Đạo Phật tồn tại không chỉ y cứ vào hình thức chùa tháp, lễ nghi, kinh điển, mặc dầu kinh điển là kim chỉ nam để hướng dẫn cho ta trên đường đi tới đạo quả Bồ đề. Nhưng sự tồn tại đích thực chính là thể hiện đạo phong, những nếp sống gương mẫu của các bậc Tăng già nghiêm trì giới luật và biết tận lực phục vụ chánh pháp, để chánh pháp mãi tồn tại với con người, với cuộc đời và làm lợi ích cho chúng sinh”.
Đối với hàng phật tử tại gia, là những người có nhiều bổn phận phải lo toan hàng ngày, ngài chỉ dạy cho một phương pháp tu tập vô cùng giản dị, mọi người ai cũng làm được là “Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy ngồi thẳng trên giường, chí thành niệm 10 lần danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật”.
Trong những năm tháng cuối đời, khi tuổi cao sức yếu, ngài thường nhắc nhủ các hàng đệ tử “Trước, ta dạy các con bằng lời nói, có khi bằng roi vọt, nhưng nay thì ta dạy bằng sự im lặng”. Sự im lặng của ngài, là một bài pháp vô ngôn vi diệu đã thấm đẫm trong tâm thức và sự nghiệp hành đạo của nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử từ ấy cho đến ngày nay.
Ngài thường sống với mật hạnh vô vi, nên không lưu lại bài kệ phú pháp nào, nhưng qua bài thơ ngài cảm tác sau đây cũng đã thể hiện rõ ràng tôn chỉ “Tự chủ - Tự giác” và đủ làm ánh đuốc soi sáng cho các hàng đệ tử trên bước đường tu tập, hành trì:
Pháp thân vô trọng diệc vô khinh
Chỉ vị đa sanh hoặc tập tành
Nhất niệm hồi quang tri lụy kiếp
Lục căn thanh tịnh liễu tâm kinh
Ưng tiêu vọng tưởng chân vô ngã
Thỉ ngộ thuyền quang hiệp thế tình
Dục thám huyền vi công tự tỉnh
Hà lao hướng viện vấn thuyền huynh.
Tạm dịch:
Pháp thân không trọng cũng không khinh
Phân biệt do mê hoặc nghiệp thành
Một niệm hồi quang, lụy chướng dứt
Sáu căn thanh tịnh rõ tâm kinh
Nên tiêu vọng tưởng chơn vô ngã
Mới biết đạo kia hiệp thế tình
Muốn ngộ lẽ mầu tâm tự tỉnh
Ích chi đến việc hỏi thuyền huynh.
NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI ĐỜI:
Suốt những năm tháng ở ngôi vị lãnh đạo tối cao, Đức Tăng Thống được chư tôn giáo phẩm cung thỉnh vào an trú trong các chùa viện lớn ở Sài Gòn như Xá Lợi, Ấn Quang, Quảng Hương Già Lam… để điều hành mọi Phật sự trọng đại của Giáo Hội.
Nhưng bất ngờ, vào cuối năm Nhâm Tý (1972), lúc Ngài đang ở Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Ngài lại tỏ ý là muốn trở về Huế. Đến ngày 15/11/ Nhâm Tý (20/12/1972), lúc chư tôn giáo phẩm trong Hội Đồng Lưỡng Viện đến làm lễ cung tiễn Ngài về Huế, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo có lời tác bạch: “Xin cung thỉnh Đức Tăng Thống sau khi về thăm Cố đô ít ngày, rồi xin Ngài trở lại thủ đô để lãnh đạo Giáo Hội”.
Ngài thong thả đáp dứt khoát: “Thôi, tôi không vô nữa”.
Đức Tăng Thống về tịnh dưỡng tại chùa Tường Vân. Trong thời gian này, Ngài thường bảo các Thị Giả đưa ngài đi thăm viếng các Tổ Đình Từ Đàm, Quốc Ân, Bảo Quốc, Thuyền Tôn, Từ Hiếu, Kim Tiên… rồi đi thăm các Phật Học Viện và Ni Viện ở Huế.
Vào tết Nguyên Đán năm Kỷ Sửu (1973), chư tôn đức lãnh đạo miền Vạn Hạnh và Giáo Hội tỉnh Thừa Thiên, Huế vào đảnh lễ vấn an và chúc thọ Ngài. Như dự tri được khoảnh khắc từ giã chư tôn giáo phẩm, môn đồ thất chúng, nên Ngài đã ân cần phú chúc và nhỏ nhẹ ban lời huấn dụ: “Tôi thấy tôi sức khỏe đã kém nhiều, tôi khuyên các tăng ni, phật tử cố gắng lo việc tu hành để báo đáp công ơn Tam Bảo, thương mến và đoàn kết với nhau để xây dựng Giáo Hội và góp phần vào nền hòa bình dân tộc!”.
Chư tôn đức tăng ni và môn đồ thất chúng ở Thừa Thiên, Huế không ai ngờ rằng những lời Ngài ân cần dạy bảo lúc bấy giờ, lại là lời di huấn cuối cùng của Ngài.
Đến ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Sửu (1973), thì pháp thể Hòa Thượng khiếm an. Sau một tuần thuốc thang tịnh dưỡng, vào lúc 20 giờ 45 phút ngày 23 tháng Giêng năm Quý Sửu (25/02/1973), Ngài an nhiên xả bỏ báo thân, thể nhập Niết Bàn.