Trung Bộ Kinh, Kinh số 143
Kinh Giáo Giới Cấp Cô Ðộc
HT Thích Minh Châu dịch
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá Vệ), Jetavana (Kỳ Ðà Lâm) tại tịnh xá Ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Ðộc bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi cư sĩ Cấp Cô Ðộc gọi một người:
-- Hãy đến đây, này bạn. Hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch như sau: "Bạch Thế Tôn, cư sĩ Cấp Cô Ðộc bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Cấp Cô Ðộc xin cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn." Rồi đi đến Tôn Giả Sariputta (Xá Lợi Phất), sau khi đến, nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Sariputta và bạch như sau: "Thưa Tôn giả, cư sĩ Cấp Cô Ðộc bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Cấp Cô Ðộc xin cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Sariputta, và thưa như sau: 'Thưa Tôn giả, lành thay, nếu Tôn Giả Sariputta vì lòng từ mẫn, đi đến trú xứ của cư sĩ Cấp Cô Ðộc.' "
-- Thưa vâng, Tôn giả.
Người ấy vâng đáp cư sĩ Cấp Cô Ðộc, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ chân Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người ấy bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, cư sĩ Cấp Cô Ðộc bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Cấp Cô Ðộc xin cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn.
Rồi người ấy đi đến Tôn giả Sariputta, sau khi đảnh lễ Tôn giã Sariputta, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người ấy thưa với Tôn giả Sariputta:
-- Thưa Tôn Giả, cư sĩ Cấp Cô Ðộc bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Cấp Cô Ðộc xin cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Sariputta và thưa như sau: "Thưa Tôn giả, lành thay, nếu Tôn giả Sariputta vì lòng từ mẫn, đi đến trú xứ của cư sĩ Cấp Cô Ðộc."
Tôn giả Sariputta im lặng nhận lời. Rồi Tôn giả Sariputta đắp y, cầm bát, cùng với Tôn giả Ananda là thị giả, đi đến trú xứ của cư sĩ Cấp Cô Ðộc, sau khi đến liền ngồi trên chổ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Tôn giả Sariputta nói với cư sĩ Cấp Cô Ðộc:
-- Này cư sĩ, ta mong rằng Ông có thể kham nhẫn; ta mong rằng Ông có thể chịu đựng. Ta mong rằng khổ thọ được giảm thiểu, không có gia tăng, sự giảm thiểu được rõ rệt không có gia tăng.
-- Thưa Tôn giả Sariputta, con không thể kham nhẩn, con không thể chịu đựng. Sự khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu. Và sự gia tăng được rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sariputta, ví như một người lực sĩ chém đầu (một người khác) với một thanh kiếm sắc bén; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, những cơn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu con. Thưa Tôn giả Sariputta, con không thể kham nhẩn, con không thể chịu đựng. Sự khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu. Thưa Tôn Giả Sariputta, như một người lực sĩ lấy một giây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi xiết chặt; cũng vậy thưa Tôn giả Sariputta, con cảm thấy đau đầu một cách kinh khủng. Thưa Tôn giả Sariputta, con không thể kham nhẩn, con không thể chịu đựng. Sự khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu. Thưa Tôn Giả Sariputta, như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang bụng với con dao cắt thịt bò sắc bén; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, một cơn gió kinh khủng cắt ngang bụng con. Thưa Tôn giả Sariputta, con không thể kham nhẩn, con không thể chịu đựng. Sự khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sariputta, ví như hai lực sĩ, sau khi nắm tay của một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân con. Thưa Tôn giả Sariputta, con không thể kham nhẩn, con không thể chịu đựng. Sự khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu.
-- Do vậy này cư sĩ, hảy học tập như sau:
"Tôi sẽ không chấp thủ con mắt, và tôi sẽ không có thức y cứ vào con mắt." Này cư sĩ, hãy học tập như vậy.
Do vậy này cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ tai, và tôi sẽ không có thức y cứ vào tai." Này cư sĩ, hãy học tập nhu vậy.
Do vậy ... không chấp thủ mũi, và tôi sẽ không có thức y cứ vào mũi ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ lưỡi, và tôi sẽ không có thức y cứ vào lưỡi ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thân, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thân ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ ý, và tôi sẽ không có thức y cứ vào ý ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ sắc, và tôi sẽ không có thức y cứ vào sắc ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thanh, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thanh ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ hương, và tôi sẽ không có thức y cứ vào hương ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ vị, và tôi sẽ không có thức y cứ vào vị ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ xúc, và tôi sẽ không có thức y cứ vào xúc ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ pháp, và tôi sẽ không có thức y cứ vào pháp ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ nhãn thức, và tôi sẽ không có thức y cứ vào nhãn thức ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ nhĩ thức, và tôi sẽ không có thức y cứ vào nhĩ thức ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ tỷ thức, và tôi sẽ không có thức y cứ vào tỷ thức ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thiệt thức, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thiệt thức ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thân thức, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thân thức ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ ý thức, và tôi sẽ không có thức y cứ vào ý thức... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ nhãn xúc, và tôi sẽ không có thức y cứ vào nhãn xúc... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ tỷ xúc, và tôi sẽ không có thức y cứ vào tỷ ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thiệt xúc, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thiệt xúc ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thân xúc, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thân xúc ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ ý xúc, và tôi sẽ không có thức y cứ vào ý xúc ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thọ do nhãn thức sanh khởi, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thọ do nhãn thức sanh khởi ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thọ do nhĩ thức sanh khởi, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thọ do nhĩ thức sanh khởi ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thọ do tỷ thức sanh khởi, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thọ do tỷ thức sanh khởi ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thọ do thiệt thức sanh khởi, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thọ do thiệt thức sanh khởi ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thọ do thân thức sanh khởi, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thọ do thân thức sanh khởi ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thọ do ý thức sanh khởi, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thọ do ý thức sanh khởi ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ địa giới, và tôi sẽ không có thức y cứ vào địa giới ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thủy giới, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thủy giới ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ hỏa giới, và tôi sẽ không có thức y cứ vào hỏa giới ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ phong giới, và tôi sẽ không có thức y cứ vào phong giới ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ hư không giới, và tôi sẽ không có thức y cứ vào hư không giới ... hãy học tập như vậy
Do vậy ... không chấp thủ thức, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thức giới ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ sắc, và tôi sẽ không có thức y cứ vào sắc ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thọ, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thọ ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ tưởng, và tôi sẽ không có thức y cứ vào tưởng ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ hành, và tôi sẽ không có thức y cứ vào hành ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thức, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thức giới ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ hư không vô biên xứ, và tôi sẽ không có thức y cứ vào hư không vô biên xứ ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thức vô biên xứ, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thức vô biên xứ ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ vô sở hữu xứ, và tôi sẽ không có thức y cứ vào vô sở hữu xứ ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ phi tưởng phi phi tưởng xứ, và tôi sẽ không có thức y cứ vào phi tưởng phi phi tưởng xứ ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thế giới ở đây, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thế giới ở đây ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ thế giới khác, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thế giới khác ... hãy học tập như vậy.
Do vậy ... không chấp thủ những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, được nhận thức, được hy cầu, được tư sát với ý, và tôi sẽ không có thức y cứ vào các pháp (nói trên)."
Này cư sĩ, hãy học tập như vậy.
Khi nghe như vậy, cư sĩ Cấp Cô Ðộc khóc và chảy nước mắt. Rồi Tôn giả Ananda nói với cư sĩ Cấp Cô Ðộc:
-- Này cư sĩ, Ông đang gượng lên mà sống, hay chìm xuống (cõi chết)?
-- Thưa Tôn giả Ananda, con không gượng lên mà sống, con đang chìm xuống cõi chết. Dầu cho bậc Ðạo sư được con hầu hạ đã lâu và dầu các vị Tỷ Kheo, tu tập ý lực con chưa từng được nghe một thời thuyết pháp như vậy.
-- Này cư sĩ, thuyết pháp như vậy không nói cho các hàng cư sĩ mặc áo trắng. Này cư sĩ, thuyết pháp như vậy nói cho hàng xuất gia.
-- Vậy thưa Tôn giả Sariputta, hãy thuyết pháp như vậy cho hàng cư sĩ mặc áo trắng. Thưa Tôn giả Sariputta, có những thiện nam tử sanh ra với cấu uế không nhiều, nếu không được nghe pháp, sẽ bị đọa lạc; nhưng họ có thể biết được Chánh pháp.
Rồi Tôn giả Sariputta và Tôn giả Ananda sau khi giảng dạy cư sĩ Cấp Cô Ðộc với bài thuyết giảng, từ chổ ngồi đứng dậy và ra đi. Rồi cư sĩ Cấp Cô Ðộc, sau khi Tôn giả Sariputta và Tôn giả ra đi không bao lâu, sau khi thân hoại mạng chung liền sanh lên cõi Tusita (Ðâu Suất Thiên). Rồi Thiên tử Cấp Cô Ðộc, khi đêm đã gần mãn, sau khi chói sáng toàn cảnh Jetavana (Kỳ Ðà Lâm) với dung sắc thù thắng đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lể Thế Tôn và đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên Tử Cấp Cô Ðộc nói lên với Thế Tôn bài kệ sau đây:
Rừng Jetavana,
Tốt đẹp phước lành này,
Ðược chư Thiên, chúng Tăng,
Thường lui tới an trú,
Ðược Pháp Vương trú trì,
Ban hoan hỷ cho ta.
Nghiệp, minh (1) và chánh pháp (2)
Giới, tối thượng sanh mạng (3)
Chính nhờ các pháp trên,
Khiến chúng sanh thanh tịnh (4)
Không phải do giai cấp,
Không phải do tài sản,
Do vậy bậc Hiền Giả
Thấy rõ mục đích mình,
Suy tư pháp chân chánh,
Ðược thanh tịnh ở đây.
Như Sariputta,
Về tuệ, giới, tịch tịnh,
Bất luận Tỷ Kheo nào,
Ðã tới bờ bên kia,
Hãy đạt được tối thắng
Trong những pháp kể trên
Thiên tử Cấp Cô Ðộc nói như vậy. Bậc Ðạo sư tán đồng. Rồi Thiên tử Cấp Cô Ðộc suy nghĩ: "Bậc Ðạo sư tán đồng ta." Rồi sau khi đảnh lể Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chổ.
Rồi Thế Tôn, khi đêm ấy đã mãn, gọi các Tỷ Kheo:
-- Này các Tỷ Kheo, đêm nay, một vị Thiên tử, khi đêm đã gần mãn, chiếu sáng toàn cảnh Jetavana với dung sắc thù thắng đã đi đến Ta, sau khi đến đảnh lể Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên tử ấy nói với ta bài kệ sau đây:
Rừng Jetavana,
Tốt đẹp phước lành này,
(...)
Hãy đạt được tối thắng
Trong những pháp kể trên
Nói vậy xong, này các Tỷ Kheo, vị Thiên tử ấy suy nghĩ: "Bậc Ðạo sư tán đồng ta". Sau khi đảnh lể thân phía hữu hướng về Ta, rồi biến mất tại chỗ.
Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, có phải vị ấy là Thiên tử Cấp Cô Ðộc chăng? Bạch Thế Tôn, cư sĩ Cấp Cô Ðộc có lòng tịnh tín bất động đối với Tôn giả Sariputta.
-- Lành thay, lành thay, Ananda! Nhũng gì có thể thành đạt được bởi suy tư đã được đạt đến, này Ananda, chính Cấp Cô Ðộc là vị Thiên tử ấy, không một ai khác.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn Giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Ghi chú:
(1) Minh: Vijjà, là sự hiểu biết vượt ngoài tầm các căn, Magganapannã, hay chánh kiến và chánh tư duy.
(2) Chánh pháp: Dhamma thuộc Ðịnh, Samàdhipakkikadhamma, chỉ cho chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
(3) Giới: Là đời sống người giữ giới cao thượng nhất, hay sila. Ðây là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
(4) Tự ngã được Bát Chánh Ðạo làm cho thanh tịnh. Ở đây, Vijjà, Dhamma và Sila được giải thích như các pháp thuộc Bát Chánh Ðạo.