menu_open

Kinh điển

Bố cục Phật thuyết kinh A Di Đà
20/08/2014 8:08:34 SA
Xem cỡ chữ:
‘Tịnh độ là lòng trong sạch chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng soi mựa phải nhọc cầu về Tịnh Độ’. Do vậy, bản kinh soi tỏ thế giới của tâm thức, mở bày tâm thức để tỏ ngộ tâm thức. Khi đã đoạn trừ hết tất cả lậu hoặc, lập tức tâm sáng vô ngần, không còn khổ đau phiền não nữa, thì đó là cảnh giới của Tây Phương Cực Lạc hiện rõ trong mỗi chúng ta vậy. 
Bố cục Phật thuyết kinh A Di Đà
Bố cục Phật thuyết kinh A Di Đà

 

Kinh A Di Đà là bản kinh được tụng đọc thuộc lòng trong hầu hết Tăng Ni và tín đồ Phật tử Việt Nam, cũng như các nước theo truyền thống Tịnh độ tông Phật giáo. Bản kinh nay thuộc dạng “Vô vấn tự thuyết”, bởi vì cõi Tây phương Cực lạc duy chỉ có đức Phật Thích Ca mới biết rõ. Ngài muốn giới thiệu thế giới này cho hàng đệ tử tu tập nhằm thoát khỏi cảnh giới khổ đau uế trược Ta bà để được vãng sanh cõi nước Cực Lạc.
Kinh A Di Đà ngắn gọn, dễ tụng đọc, nhưng hàm chứa một nội dung triết lý sâu sắc. Kinh gồm ba phần, phần Tựa, phần Chánh tông và phần Lưu thông.

I. Phần tựa
Phần này bao gồm Thông tựa và Biệt tựa. Phần thông tựa có hai mục chủ yếu:

A. Thông tựa:
1. Nêu rõ thời gian và địa điểm của pháp hội: “Tôi nghe như vậy. Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, trong rừng Kỳ Đà, vườn ông Cấp Cô Độc.”

2. Đại chúng nghe pháp:
a. Chúng Thanh văn
- Phân rõ số lượng: “Cùng chúng Tỷ kheo một ngàn hai trăm năm chục vị đến dự”
- Tán thán đức hạnh của các vị này: “Tất cả đều là chúng trí thức bậc đại A La Hán”
- Liệt kê danh tánh các bậc thượng thủ: “Ngài Xá Lợi Phất, đại Mục Kiền Liên, Ma ha Ca Diếp cùng Ca Chiên Diên, đại Câu Thi Na và Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà, Nan Đà, A Nan và La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, đại Kiếp Tân Na và Bạc Câu La, A Nậu Lâu Đà...cùng những vị đệ tử vĩ đại như thế.”
b. Chúng Bồ tát: “Cùng chư Bồ tát: Văn Thù Sư Lợi con đấng Pháp vương, ngài A Dật Đa, Càn Đà Ha Đề, ngài Thường Tinh Tấn...và những vị Bồ tát vĩ đại khác nữa.”
c. Chúng nhơn, thiên: “Thích Đế Hoàn nhân cùng với vô lượng hội chúng cõi trời cùng đến hội họp.”

B. Biệt tựa: “Bấy giờ Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: ở về phương Tây cách đây quá hơn mười vạn ức cõi, có một thế giới tên là Cực Lạc, cõi ấy có Phật hiệu A Di Đà hiện đang thuyết pháp.”


II. Phần chánh tông
A. Nói rộng quả báo thù thắng về Y báo và Chánh báo của cõi nước Cực lạc để làm phát khởi tín tâm.
1. Y báo thù thắng
a. Trưng bày và giải thích
Trưng bày: “Cõi ấy cớ gì mệnh danh Cực lạc?”
Giải thích: Giải thích về chủ thể thọ dụng: “Chúng sanh ở trong nước ấy không có các khổ, chỉ hưởng toàn vui, nên gọi Cực Lạc.”
Giải thích về đối tượng thọ dụng: “Lại nữa Xá Lợi Phất, ở cõi Cực Lạc có bảy tầng lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy hàng cây lớn, đều được làm bằng bốn thứ châu báu, bủa vây xung quanh, cho nên nước ấy tên là Cực Lạc.”
b. Giải thích rộng thêm
(1), Giải thích riêng về sở thọ
- Giải thích về chỗ vãng sanh: “Xá Lợi Phất, ở cõi nước Phật ấy có ao bảy báu, nước tám công đức đầy dẫy bên trong ao, đáy ao dát toàn một thứ cát vàng, đường đi bốn bên đều được làm bằng vàng bạc lưu ly pha lê hợp thành. Lại có lâu đài cũng được trang hoàng vàng bạc lưu ly xa cừ, xích châu mã não. Hoa sen trong ao lớn bằng bánh xe, sen xanh tỏa ra ánh sáng màu xanh, sen vàng tỏa ra ánh sáng màu vàng, sen đỏ tỏa ra ánh sáng màu đỏ, sen trắng tỏa ra ánh sáng màu trắng, hương thơm kỳ diệu.”
- Kết quả là do Phật lực: “Cõi nước Cực lạc được trang nghiêm nhờ công đức như vậy.”
(2), Giải thích chung về chủ thể và đối tượng thọ dụng
(a), Nêu rõ về thọ dụng đối với năm căn, năm trần
- Chánh minh: “Xá Lợi Phất, cõi nước Phật ấy thường trỗi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, đêm ngày sáu thời hoa Mạn đà la tuôn như mưa xuống, chúng sanh nước ấy, cứ mỗi sáng sớm dùng những túi vãi mà hứng đầy hoa để đi cúng dường mười vạn ức Phật ở các cõi khác, rồi đến giờ ăn lại về nước mình, ăn xong đi dạo.”
- Biểu thị kết quả: “Xá Lợi Phất, cõi nước Cực lạc được trang nghiêm nhờ công đức như vậy.”
(b), Nêu rõ về thọ dụng của tai nghe và âm thanh
- Giải thích riêng biệt rõ ràng
- Biến hóa âm thanh loài hữu tình   
Biến thành âm thanh của loại chim thuyết pháp lợi sanh: “Lại nữa, Xá Lợi Phất, nước ấy thường có những giống chim lạ, đủ các màu sắc: Bạch hạc, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng tần già và chim Cộng mạng, những giống chim ấy đêm ngày sáu thời hót tiếng thanh tao, thuyết minh những pháp năm căn năm lực, cùng bảy yếu tố đưa đến tuệ giác, Thánh đạo tám ngành, những pháp như vậy. Chúng sanh nước ấy, nghe âm thanh kia đều tưởng nhớ Phật, nhớ Pháp, nhớ Tăng.”
 Trưng bày và giải thích sơ lược: “Xá Lợi Phất, ông chớ cho rằng những giống chim ấy, thực do ác nghiệp mà được sinh ra, bởi vì cớ sao? Cõi nước Phật ấy tuyệt nhiên không có ba thứ ác đạo. Này Xá Lợi Phất, ở cõi Phật ấy cái tên ác đạo cũng còn không có, huống chi có thật. Những giống chim ấy đều do đức Phật hiệu A Di Đà, muốn cho pháp âm được loan truyền khắp mà biến hóa ra.”
- Biến hóa âm thanh của loài vô tình: “Cõi nước Phật ấy mỗi khi gió thoảng thì các cây báu và hàng lưới báu phát ra âm thanh cực kỳ vi diệu như đồng một lúc trăm ngàn nhạc khí giao hưởng hòa tấu. Người nghe tiếng nhạc tự nhiên đều phát khởi tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.”
Tổng kết: “Cõi nước Phật ấy được trang nghiêm nhờ công đức như vậy.”

2. Chánh báo thù thắng
Giải thích trưng bày về danh hiệu
(1), Trưng bày: “Xá Lợi Phất, ý ông nghĩ sao? Phật kia vì sao mà được mệnh danh là A Di Đà.”
(2), Giải thích:
- Giải thích về ánh sáng quang minh: “Xá Lợi Phất, ánh sáng vô lượng của đức Phật ấy chiếu soi mười phương các cõi nước khác không gì chướng ngại, cho nên mệnh danh là A Di Đà.”
- Giải thích về thọ mạng: “Xá Lợi Phất thọ mạng của đức Phật ấy cùng với nhân dân ở cõi Cực Lạc vô lượng vô biên, không tính số kiếp, cho nên mệnh danh là A Di Đà.”
Giải thích riêng về chủ thể và đối tượng
Giải thích riêng:
a. Chủ thể: “Xá Lợi Phất, Phật A Di Đà từ khi thành Phật cho đến ngày nay đã qua mười kiếp.”
b. Đối tượng: “Xá Lợi Phất, Phật ấy có vô lượng đệ tử Thanh văn, toàn A La Hán, không thể dùng toán mà tính biết được. Chúng hội Bồ tát cũng đông như thế.”

3. Kết thị: “Xá Lợi Phất, cõi nước Phật ấy được trang nghiêm nhờ công đức như vậy.”

B. khuyến khích chúng sanh muốn cầu vãng sanh thì phải phát nguyện
1. Do vô lượng nhân duyên: “Xá Lợi Phất, chúng sanh sanh về cõi nước Cực Lạc là những bậc không còn thối chuyển, đa số trong đó chỉ còn một đời là được bổ nhậm, số này rất nhiều không thể tính xiết, chỉ có thể dùng khái niệm vô số, vô lượng vô biên để mà mô tả.”

2. Khuyến khích vãng sanh về cõi Tịnh độ thù thắng: “Xá Lợi Phất, chúng sanh nghe được thì nên phát nguyện sanh về Cực Lạc để được cùng với những người thánh thiện bậc nhất như vậy sống chung một chỗ.”

C. Hành giả chấp trì danh hiệu Phật để lập hạnh
1. Do nhân quả phước đức: “Xá Lợi Phất, thật không thể do chút ít căn lành, chút ít phước đức mà được sanh đến cõi nước kia đâu. Này Xá Lợi Phất, nếu có những kẻ trai lành, gái lành nghe nói về đức Phật A Di Đà chuyên niệm danh hiệu, hoặc trong 1 ngày, hoặc trong 2 ngày, hoặc trong 3 ngày, hoặc trong 4 ngày, hoặc trong 5 ngày, hoặc trong 6 ngày, hoặc trong 7 ngày, tâm không tán loạn, thì những người ấy vào lúc lâm chung, Phật A Di Đà cùng với thánh chúng hiện ra trước mặt làm cho tâm họ không bị điên đảo, liền được sanh về cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà.”

2. Khuyến khích thêm về sự phát nguyện vãng sanh: “Này Xá Lợi Phất vì Ta thấy được sự lợi ích như thế nên nói lời rằng, nếu có chúng sinh nghe được kinh này thì nên phát nguyện sanh về Cực Lạc.”


III. Phần lưu thông
Khuyến khích rộng rãi
Khuyến khích phát khởi tín tâm
a. Lược dẫn tiêu đề: “Xá Lợi Phất như Ta hiện đang ca tụng công đức bất khả tư nghì của Phật A Di Đà.”
(1). Đông phương: “Thì ở Phương đông cũng có Chư Phật như: A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Phật Tu Di Quang, và Phật Diệu Âm, hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở nơi quốc độ của mình mà xuất tướng lưỡi rộng dài bao trùm khắp cả đại thiên thế giới nói lời thành thật: ‘Này chúng sinh ơi, các ngươi hãy tin bản kinh ca ngợi công đức khôn lường, kinh được hết thảy Chư Phật hộ niệm’.”
(2). Nam phương: “Thế giới phương Nam cũng có các đức Phật như: Phật Nhật Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu Di Đăng, Vô Lượng Tinh Tấn, hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở nơi quốc độ của mình mà xuất tướng lưỡi rộng dài bao trùm khắp cả đại thiên thế giới nói lời thành thật: ‘Này chúng sinh ơi, các ngươi hãy tin bản kinh ca ngợi công đức khôn lường, kinh được hết thảy Chư Phật hộ niệm’.”
(3). Tây phương: “Thế giới phương Tây cũng có Chư Phật như: Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Lượng Tràng, Đức Phật Đại Quang, Đức Phật Đại Minh, Đức Phật Bảo Tướng, Đức Phật Tịnh Quang, hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở nơi quốc độ của mình mà xuất tướng lưỡi rộng dài bao trùm khắp cả đại thiên thế giới nói lời thành thật: ‘Này chúng sinh ơi, các ngươi hãy tin bản kinh ca ngợi công đức khôn lường, kinh được hết thảy Chư Phật hộ niệm’.”
(4). Bắc phương: “Thế giới phương Bắc cũng có Chư Phật như: Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Đức Phật Nan Trở, Đức Phật Nhật Sanh, Đức Phật Võng Minh... hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở nơi quốc độ của mình mà xuất tướng lưỡi rộng dài bao trùm khắp cả đại thiên thế giới nói lời thành thật: ‘Này chúng sinh ơi, các ngươi hãy tin bản kinh ca ngợi công đức khôn lường, kinh được hết thảy Chư Phật hộ niệm’.”
(5). Phương dưới: “Thế giới phương Dưới có Phật Sư Tử, Danh Văn, Danh Quang Đạt Ma, Pháp Tràng và Phật Trì Pháp, hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở nơi quốc độ của mình mà xuất tướng lưỡi rộng dài bao trùm khắp cả đại thiên thế giới nói lời thành thật: ‘Này chúng sinh ơi, các ngươi hãy tin bản kinh ca ngợi công đức khôn lường, kinh được hết thảy Chư Phật hộ niệm’.”
(6). Phương trên: “Thế giới phương Trên cũng có những Đức Phật danh hiệu Phạm Âm, Tú Vương, Hương Thượng, và Phật Hương Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Tạp Sắc Bảo Hoa, Ta La Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Như Tu Di Sơn...hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở nơi quốc độ của mình mà xuất tướng lưỡi rộng dài bao trùm khắp cả đại thiên thế giới nói lời thành thật: ‘Này chúng sinh ơi, các ngươi hãy tin bản kinh ca ngợi công đức khôn lường, kinh được hết thảy Chư Phật hộ niệm’.”
b. Trưng bày, giải thích đề kinh: “Xá Lợi Phất ý ông nghĩ sao? Vì sao gọi rằng kinh được hết thảy Chư Phật hộ niệm? Xá Lợi Phất, nếu có những người trai lành, gái lành được nghe kinh này và danh hiệu Phật, thì những kẻ ấy đều được hết thảy chư Phật thương tưởng, được sự bất thối đối với quả vị Vô thượng Bồ đề. Bởi thế cho nên, Xá Lợi Phất này, các ngươi hãy nên tin nhận lời của Ta và của Chư Phật nói.”

2. Khuyến khích phát nguyện lưu thông: “Xá Lợi Phất, nếu có những người đã từng phát nguyện hoặc đang phát nguyện, hoặc sẽ phát nguyện, muốn sanh vào nước Phật A Di Đà, thì những người ấy đều được bất thối đối với quả vị Vô thượng Bồ đề, và đã được sanh về cõi nước ấy, hoặc đang được sanh hoặc sẽ được sanh. Bởi thế cho nên, này Xá Lợi Phất, trai lành gái lành ai có đức tin hãy nên phát nguyện sanh về Cực Lạc.”

3. Khuyến khích thực hành lưu thông:
a. Chư Phật khen ngợi xưng tán: “Xá Lợi Phất, như Ta hiện đang ca tụng công đức bất khả tư nghì của chư Phật ấy, thì những vị này cũng đang ca tụng công đức của Ta bất khả tư nghì, và thốt lời rằng: ‘Đức Phật Thích Ca đã làm được việc khó khăn hiếm có, ấy là có thể ở cõi Ta Bà vào thời xấu ác, với năm vẩn đục: thời đại vẩn đục, quan niệm vẩn đục, phiền não vẩn đục, chúng sinh vẩn đục, sinh vạng vẩn đục, mà thành tựu được Vô thượng Bồ đề, lại vì chúng sinh nói ra cái pháp hết thảy thế gian rất khó tin này’.”
b. Giáo chủ kết thán: “Này Xá Lợi Phất, nên biết rằng Ta thành tựu được đạo Vô thượng Bồ đề giữa đời ngũ trược đã là việc khó, mà đem nói ra cái pháp khó tin cho cả thế gian, lại càng khó hơn.”

B. Kết khuyến: “Khi đức Phật nói khế kinh này xong, ngài Xá Lợi Phất cùng các Tỷ kheo, trời, người, A Tu la và cả thế gian hoan hỷ tín thọ, làm lễ mà lui.”
    Trên đây là bố cục của bài kinh A Di Đà mà chúng ta thường tụng trong các thời khóa hằng ngày. Mặc dầu bài kinh có văn cú ngắn gọn nhưng nội dung vô cùng súc tích, phong phú. Xuyên suốt bài kinh, đức Phật tuần tự giới thiệu về cảnh giới của cõi nước Cực Lạc. Về Y báo và Chánh báo, những nhân duyên thù thắng để hội tụ nên thế giới ấy. Qua đó để hành giả Tịnh độ thấy rõ mà phát khởi tín tâm và muốn cầu vãng sanh. Hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ thì điều tiên quyết phải có đầy đủ ba yếu tố đó là: Tín, Nguyện và Hạnh. Tức là phải có niềm tin, xác quyết với niềm tin đó để phát nguyện và sau khi phát nguyện rồi thì phải thực hành. Nếu thiếu một trong ba yếu tố trên thì tiến trình tu theo pháp môn này sẽ khó thành tựu.
Ở đây, cảnh giới Tịnh độ không nằm ngoài tâm. Bởi vì, ‘tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh’. Hay như Phật hoàng Trần Nhân Tông nói: ‘Tịnh độ là lòng trong sạch chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng soi mựa phải nhọc cầu về Tịnh Độ’. Do vậy, bản kinh soi tỏ thế giới của tâm thức, mở bày tâm thức để tỏ ngộ tâm thức. Khi đã đoạn trừ hết tất cả lậu hoặc, lập tức tâm sáng vô ngần, không còn khổ đau phiền não nữa, thì đó là cảnh giới của Tây Phương Cực Lạc hiện rõ trong mỗi chúng ta vậy.  

Phương tiện: 0
Xuất phát: 33
Thích Trung Định dịch và chú