menu_open

Kinh điển

Sáu nguyên tắc sống chung an lạc
25/07/2015 5:13:03 CH
Xem cỡ chữ:
Sáu nguyên tắc trên nói rõ nếp sống tu học hướng thiện của mỗi Tỳ-kheo thành viên, gián tiếp tạo nên nếp sống tương ái, tương kính, hòa đồng, hòa hợp, nhất trí trong tổ chức Tăng già. Đáng chú ý rằng khi mỗi thành viên của Tăng già thể hiện đầy đủ sáu nguyên tắc này trong đời sống tập thể thì bản thân người ấy sẽ tìm thấy tiến bộ lợi ích an lạc, đồng thời góp phần tạo nên không khí lợi ích an lạc ở trong Tăng già.
Sáu nguyên tắc sống chung an lạc
Sáu nguyên tắc sống chung an lạc

6 nguyen tac song

 

Cho đến nay, Tăng già Phật giáo là một đoàn thể xã hội tồn tại hơn 25 thế kỷ và có những đóng góp lợi lạc cho cuộc đời. Ngoài chức năng một cơ cấu tổ chức bảo đảm cho mỗi thành viên theo đuổi đời sống tu tập an ổn với mục đích thực nghiệm cứu cánh giải thoát, Tăng già còn là nơi nương tựa tinh thần rất lớn cho quần chúng, thể hiện qua nếp sống giới đức thanh tịnh, thái độ tương ái, tương kính, hòa đồng giữa các thành viên và tinh thần chia sẻ hiểu biết chánh pháp đối với mọi người. Đặc điểm lợi lạc của Tăng già do Đức Phật thành lập có thể thấy rõ qua lòi xưng tán: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”.

Vậy nguyên tắc nào để mỗi thành viên tìm thấy tiến bộ lợi ích trong đời sống Tăng già và để một đoàn thể bao gồm những con người cao quý như vậy được duy trì ổn định và vận hành có hiệu quả? Đức Phật chỉ cho chúng ta rằng có sáu cách hay sáu nguyên tắc để sống chung an lạc mà mỗi thành viên cần thể hiện trong đời sống tập thể. Đó là:

    1. An trú từ thân hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.
    2. An trú từ khẩu hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.
    3. An trú từ ý hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.
    4. San sẻ với các vị đồng Phạm hạnh những lợi ích vật chất mà mình có được.
    5. Tuân thủ và thực hành đầy đủ các giới luật.
    6. Thành tựu tri kiến liên quan đến mục tiêu giải thoát khổ đau.

Sáu nguyên tắc trên nói rõ nếp sống tu học hướng thiện của mỗi Tỳ-kheo thành viên, gián tiếp tạo nên nếp sống tương ái, tương kính, hòa đồng, hòa hợp, nhất trí trong tổ chức Tăng già. Đáng chú ý rằng khi mỗi thành viên của Tăng già thể hiện đầy đủ sáu nguyên tắc này trong đời sống tập thể thì bản thân người ấy sẽ tìm thấy tiến bộ lợi ích an lạc, đồng thời góp phần tạo nên không khí lợi ích an lạc ở trong Tăng già. Một nếp sống vừa lợi mình vừa lợi lạc cho tập thể như vậy rất đáng cho chúng ta chiêm nghiệm, nhất là trong môi trường sống vốn có nhiều tương quan, không thể tách rời, của con người và xã hội ngày nay. Chúng ta nghe Đức Phật khuyên dạy về nếp sống lợi lạc ấy (1):

“Có sáu pháp cần phải ghi nhớ này, này các Tỷ-kheo, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ thân hành đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt lẫn sau lưng. Đây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ khẩu hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Đây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ ý hành đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Đây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các lợi dưỡng đúng pháp, nhận được đúng pháp, cho đến những đồ vật nhận được chỉ trong bình bát, vị ấy không phải là người không san sẻ các đồ vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các vị đồng Phạm hạnh có giới đức. Đây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các Giới Luật không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế nhiễm, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đi đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu Giới Luật trong các Giới Luật ấy đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các tri kiến thuộc bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chơn chánh diệt tận khổ đau, Tỷ-kheo sống thành tựu tri kiến với các tri kiến như vậy đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng.

Đây là sáu pháp cần phải ghi nhớ, này các Tỷ-kheo, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí”.■


Tâm Độ | Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 83


Chú thích: Kinh Cần phải nhớ, Tăng Chi Bộ
Phương tiện: 0
Xuất phát: 33