menu_open

Tư liệu Phật giáo Huế 1963

Một số bài thơ nhân mùa Phật đản Pl.2565-Dl.2021
28/05/2021 10:38:06 CH
Xem cỡ chữ:
Mùa Phật đản Pl.2565 năm nay – đón mừng ngày Đức Phật đản sinh, cả nước Việt Nam và thế giới đang gồng mình với cơn đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngoài những bài thơ mừng Phật đản, NT.Thích nữ Như Minh còn có một số tác phẩm chủ đề về đại dịch Covid-19.
Một số bài thơ nhân mùa Phật đản Pl.2565-Dl.2021
Một số bài thơ nhân mùa Phật đản Pl.2565-Dl.2021
 
Cung đón Phật Đản
 
Phật Đản người ơi Phật Đản về
Cho lòng nhân loại bớt tái tê
Chiến tranh, dịch bệnh, xin chấm dứt
Thành tâm cung đón Phật Đản về
 
Kính lạy Thế Tôn con xin nguyền
Nguyền cho Thế Giới được bình yên
Nhìn nhau ánh mắt tình huynh đệ
Đón mừng Phật Đản mới linh thiêng
 
Mỗi ngày Con đón Phật Đản sanh
Trong Con, Đức Phật được lớn dần
Qua từng hơi thở, từng động tác
Nuôi lớn tinh thần Phật Đản sanh.
 
Thương Cảm
 
Nhìn qua màn ảnh truyền hình
Thấy nước Ấn Độ dân tình thảm thay
Xin mọi người hãy chung tay
Cứu giúp Ấn Độ những ngày khó khăn
Giường bệnh không đủ để nằm
Ôxy cạn kiệt thương tâm vô cùng
Dịch bệnh lây lan khắp vùng
Mạng người như sợi chỉ mành treo cây
Xác chết trôi dạt đó đây
Sông Hằng ô nhiễm vì thây nổi chìm
Thương thay đồng loại của mình
Nghèo nàn, đói khổ, bệnh tình tăng nhanh
Cầu xin Phật tổ ban lành
Cho dân Ấn Độ thoát vòng nguy nan
Cầu mong thế giới bình an
Mọi người được sống an toàn thảnh thơi.
 
 
 
THÔNG ĐIỆP VÔ THƯỜNG
 
Thông điệp vô thường gởi chúng ta,
Mượn nhờ dịch bệnh Corona chuyển dùm.
Một bầu khí quyển bao trùm,
Từ Âu sang Á khắp vùng lây lan.
Mong mọi người đừng bi quan,
Giữ cho thân khỏe, tâm an mới là.
Mùa đại dịch đã giúp ta,
Trở về quán chiếu thân ta vô thường.
Giúp ta mở rộng lòng thương,
Giúp ta thấy rõ con đường tử sinh.
Nhìn qua màn ảnh truyền hình,
Thế giới đang mất an bình từng giây.
Tin tức phát ra mỗi ngày,
Các ca lây nhiễm Đông Tây tăng dần.
Chúng ta hãy khởi niệm lành,
Hồi hướng cầu nguyện chúng sanh khỏi nàn.
Dịch bệnh không còn lây lan,
Để cho thế giới bình an phục hồi!
 
HỒI CHUÔNG CẢNH BÁO
                  
Hồi chuông cảnh báo vang xa,
Từ khi dịch bệnh Corona đến gần.
Rửa tay mấy phút một lần,
Khẩu trang thì phải hộ thân chẳng rời.
Hạn chế đi lại bạn ơi,
Giữ gìn sức khỏe, nghỉ ngơi trong nhà.
Nhất là quý vị tuổi già,
Trên sáu mươi tuổi chớ ra ngoài đường.
Áp dụng đường lối chủ trương,
Nhà nước nhắc nhở “ hãy nên ở nhà ”.
Ta tự bảo vệ lấy ta,
Đừng để vi rút Corona lây truyền.
Nghịch cảnh cũng là thuận duyên,
Giúp ta có dịp đoàn viên sum vầy,
Mẹ cha, con cái mỗi ngày,
Chăm sóc gần gũi, đủ đầy tình thương.
Tinh thần đoàn kết nêu gương,
Bác sĩ, quân đội mến thương đồng bào.
Lương y từ mẫu đề cao,
Chăm sóc con bệnh, đâu nào quản chi.
Với lòng bác ái, từ bi,
Dù cho gặp phải hiểm nguy không sờn.
Thành tâm cảm tạ tri ơn,
Bác sĩ, y tá tấm gương vì người!
 
MỞ TẦM NHÌN
 
  Qua đại dịch Corona,
Đã giúp thế giới mở ra tầm nhìn.
Mạng người như sợi chỉ mành,
Vi rút nhiễm bệnh, đang rình bên ta.
Trở về lau dọn cửa nhà,
Thấy nhiều vi rút thật là hiểm nguy.
Vi rút tham ái, sân si,
Vô minh, phiền não, hiểm nguy hơn nhiều.
Vi rút ngã mạn, tự kiêu,
Tham lam ích kỷ, là điều đáng lo.
Xin bà con hãy nhớ cho,
Uống liều thuốc Phật, khỏi lo lây truyền.
Từ bi dược liệu đầu tiên,
Hỷ xả dịch truyền, cho đỡ nhiễm lây,
Thiền định thực tập hàng ngày.
Khiến cho vi rút từ đây giảm dần
Ăn chay, niệm phật, làm lành
Tiêu trừ dịch bệnh, an lành thảnh thơi.
 
HÓA THÂN BỒ TÁT
 
Mùa dịch bịnh có nhiều Bồ Tát,
Mở lòng Từ ban phát tình thương.
Từ chú Bộ đội,
Đến các tầng lớp nhân dân.
Các tình nguyện viên,
Các Y bác sĩ,
Ai ai nấy một lòng hoan hỷ, 
Giúp đồng bào vượt khỏi nguy nan.
“ Lương y như Từ mẫu”
Là phương châm,
Nơi tuyến đầu chống giặc Covid.
Tình nghĩa đồng bào,
Keo sơn khắng khít.
Dù gian nguy chí cả không sờn,
Xin chắp tay bái tạ tri ơn,
Các mạnh thường quân,
Các Y bác sĩ,
Sống vì người mà không vị kỷ.
Bài học yêu thương,
Chia sẻ ngọt bùi.
Cùng chung tay cương quyết đẩy lùi,
Giặc Covid sớm mau tan biến.
Chúng ta hãy một lòng dũng tiến,
Để sớm ngày ca khúc khải hoàn.
 
Phương tiện: 0
Xuất phát: 33
Thích nữ Như Minh