menu_open

Lịch sử Phật giáo

Hành thập thiện cho đời tươi sáng
Xem cỡ chữ:
Hành thập thiện là sống theo mười điều thiện gồm: không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hành trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận, có chánh kiến. Bỏ việc ác tức là từ bỏ mười điều ác gồm: sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến.
Hành thập thiện cho đời tươi sáng
Hành thập thiện cho đời tươi sáng
    hanh-thap-thien


	 
Trong bài sám của khóa lễ Tịnh độ mà chư Tăng và các Phật tử thực hành vào mỗi buổi chiều tối, có ba câu nói về đời sống “tươi sáng”hay “quang đãng” của người Phật tử và hệ quả tốt lành của đời sống ấy. Đó là “Hành pháp thập thiện cho đời tươi sáng; Bỏ việc ác để đời quang đãng; Đem phúc lành gieo rắc phàm nhân”. Ba câu sám văn cốt yếu khuyên nhắc mọi người sống bỏ ác làm lành để cho cuộc đời được tươi sáng và trong sạch với kết quả là đem phúc lành đến cho mọi người, mọi loài.
 
Hành thập thiện là sống theo mười điều thiện gồm: không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hành trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham dục, không sân hận, có chánh kiến. Bỏ việc ác tức là từ bỏ mười điều ác gồm: sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến. Người Phật tử tin tưởng vào lời Phật dạy, quyết tâm bỏ ác làm lành, nên có đời sống tươi sáng và trong sạch, từ bên trong ra bên ngoài, từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Vị ấy “tươi sáng” vì vị ấy sống theo mười thiện pháp. Vị ấy “quang đãng”vì vị ấy rũ sạch mười ác nghiệp. Kinh Pháp Cú bảo vị ấy “chói sáng cõi đời này”, giống như mặt trăng thoát khỏi đám mây đen che phủ (1). Khi một người có đời sống tươi sáng và quang đãng như vậy thì mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của vị ấy đều nhât nhất thanh tịnh, hiền thiện và do đó được xem là người sống mang phúc lành đến cho mọi người, mọi loài. Kinh Phật (2) gọi nếp sống như vậy là thương mình, thương người, thương cuộc đời, là “đại bố thí”, nghĩa là “đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh”.
 
Thế nào là “Hành thập thiện cho đời tươi sáng”, “Bỏ việc ác để đời quang đãng”? Cách thức thực hiện nếp sống cao đẹp, đáng mong ước, đáng nỗ lực theo đuổi và khuyến khích như vậy được trình bày rõ ràng và chi tiết qua các đoạn kinh sau đây, do Đức Phật giảng dạy cho vị thôn trưởng có tên Asibandhakaputta (3).
 
“Này thôn trưởng, người đệ tử đặt lòng tin tưởng vào Như Lai, vị ấy suy tư như sau:
 
“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sát sanh và nói: ‘Chớ có sát sanh’ Nay ta có sát hại như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ sát sanh. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.
 
“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích lấy của không cho và nói: “Chớ có lấy của không cho và nói: “Chớ có lấy của không cho”. Nay ta có lấy của không cho như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ lấy của không cho. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ lấy của không cho. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.
 
“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sống tà hạnh trong các dục”. Nay ta có tà hạnh trong các dục như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ tà hạnh trong các dục. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ tà hạnh trong các dục. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.
 
“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích nói láo”. Nay ta có nói láo như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ nói láo. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ nói láo. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.
 
“thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích nói hai lưỡi”. Nay có nói hai lưỡi như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ nói hai lưỡi. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ nói hai lưỡi. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.
 
“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích nói lời độc ác”. Nay ta có nói lời độc ác như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ nói lời độc ác. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ nói lời độc ác. Như vậy,ác nghiệp ấy được vượt qua.
 
“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích nói lời phù phiếm”. Nay ta có nói lời phù phiếm như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ nói lời phù phiếm. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ nói lời phù phiếm. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.
 
“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích tham dục”. Nay ta có tham dục như thế này, hay như thế kia. Như vây là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ tham dục. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ tham dục. Như vậy ác nghiệp ấy được vượt qua.
 
“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sân hận”. Nay ta có sân hận như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ sân hận. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ sân hận. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.
 
“Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích tà kiến”. Nay ta có tà kiến như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận. Ác nghiệp này ta làm, nay sẽ không làm nữa”. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ tà kiến. và trong tương lai, người ấy đình chỉ tà kiến. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.
 
Như vậy, do đoạn tận sát sanh, người ấy trở thành người không sát sanh. Do đoạn tận lấy của không cho, người ấy trở thành người không lấy của không cho. Do đoạn tận sống tà hạnh trong các dục, người ấy trở thành người không sống tà hạnh trong các dục. Do đoạn tận nói láo, người ấy trở thành người không nói láo. Do đoạn tận nói hai lưỡi, người ấy trở thành người không nói hai lưỡi. Do đoạn tận nói lời độc ác, người ấy trở thành người không nói lời độc ác. Do đoạn tận nói lời phù phiếm, người ấy trở thành người không nói lời phù phiếm. Do đoạn tận tham, người ấy trở thành người không có tham lam. Do đoạn tận sân, người ấy trở thành người không có sân tâm. Do đoạn tận tà kiến, người ấy trở thành người theo chánh kiến”.■
 
Chú thích:
 
1. Kinh Pháp Cú , kệ số 173
2. Kinh Nguồn nước công đức, Tăng Chi Bộ
3. Kinh Vỏ ốc, Tương Ưng Bộ.

 
Nguyễn Mỹ - Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 
 
Phương tiện: 0
Xuất phát: 35