menu_open

Lịch sử Phật giáo

Thiền sư Khuông Việt với hai triều Đinh, tiền Lê
Xem cỡ chữ:
Khuông Việt là một trong những Thiền sư tiêu biểu nhất trong kỷ nguyên đầu độc lập của dân tộc. Trong mối quan hệ với triều Đinh, Tiền Lê, Thiền sư Khuông Việt luôn nhất quán mục tiêu hạnh phúc cho nhân dân, lợi ích cho dân tộc lên hàng đầu. Ông không nhưng là một vị cao tăng đắc đạo mà còn là một nhà chính trị lão luyện, một nhà ngoại giao khôn khéo, một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông thật xứng đáng với danh hiệu Khuông Việt (phò tá nước Việt) mà vua Đinh Tiên Hoàng đã ban tặng.
Thiền sư Khuông Việt với hai triều Đinh, tiền Lê
Thiền sư Khuông Việt với hai triều Đinh, tiền Lê
Góp phần làm nên những thành tựu rực rỡ của hai triều Đinh, Tiền Lê là Phật giáo mà cụ thể là các vị cao tăng như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh,… Trong đó Thiền sư Khuông Việt là người tiêu biểu.


Thời Đinh, Tiền Lê được coi như thời kỳ bản lề, mở đầu cho kỷ nguyên Đại Việt xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Góp phần làm nên những thành tựu rực rỡ của hai triều Đinh, Tiền Lê là Phật giáo mà cụ thể là các vị cao tăng như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh,… Trong đó Thiền sư Khuông Việt là người tiêu biểu. Trong bài viết, tác giả xin trình bày vài nét về mối quan hệ giữa Thiền sư Khuông Việt với hai triều Đinh, Tiền Lê.

1. Thiền sư Khuông Việt trời tdl: sự lựa chọn hay loại bỏ - mục tiêu vì dân tộc

Thiền sư Khuông Việt(933 – 1011), tục danh là Ngô Chân Lưu, người hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc(nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội), hậu duệ vua Ngô Thuận Đế. Ông là người có “dáng mạo khội ngô tuấn tú, tính tình phóng khoán, có chí khí cao xa”. Lúc nhỏ theo học Nho, lớn lên quy y Phật rồi trở thành môn đệ thế hệ thứ tư dòng thiền Quan Bích, “đọc rộng kinh điển Phật giáo, hiểu sâu yếu chí Thiền học” [1].

Với tài năng xuất chúng, năm bốn mười tuổi danh tiếng của Ngô Chân Lưu đã vang khắp nơi, đến tận kinh thành Hoa Lư, được vua Đinh Tiên Hoàng vời về kinh hỏi chuyện, ông đối đáp rất hợp ý nên được vua phong làm Tăng Thống. Tăng thống là một chức quan đứng đầu Phật giáo trong cả nước. Năm sau, Vua lại phong Khuông Việt Đại sư. Sách Thiền uyển tập anh chép: “năm bốn mươi tuổi, danh tiếng sư (Ngô Chân Lưu) vang đến triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng vời về kinh đô (Hoa Lư) hỏi chuyện. Sư đối đáp hợp ý, được vua phong chức Tăng thống” [2].

Còn sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đinh Mùi, Thái Bình năm thứ 2 (971). Bắt đầu quy định cấp bậc văn võ tăng đạo, cho Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lưu Cờ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, đạo sĩ Đặng Huyền Quang được ban chức Sùng chân uy nghi” [3]. Việc vua Đinh Tiên Hoàng phong chức, ban hiệu cho Ngô Chân Lưu có ý nghĩa lớn. Đánh giá sự kiện này, Nguyễn Mạnh Thát viết: “có một ý nghĩa rất lớn đối với dân tộc chứ không phải đối với một dòng họ, … Việc làm ấy thể hiện một sự đoàn kết trong giới lãnh đạo xã hội, có mục đích nhằm tạo sự ổn định chính trị cho đất nước sau những năm tháng qua phân” [4]. Như vậy, mặc dù sử liệu không còn nhiều nhưng có vấn đề khá rõ ràng, đó là Ngô Chân Lưu thuộc dòng dõi nhà Ngô vương.

Tại sao Ngô Chân Lưu không chọn con đường nuôi chí “rửa thù nhà”, giành lại giang sơn – một điều vốn đã từng có (ngày người em họ của Ngô Chân Lưu là Ngô Nhật Khánh là một ví dụ)? Không những thế ông còn toàn tâm, toàn trí phục vụ cho nhà Đinh.

Tại sao các vua triều Đinh, Tiền Lê lựa chọn Phật giáo, chọn Thiền sư Khuông Việt? Và tại sao Thiền sư Khuông Việt lựa chọn, giúp rập Đinh Tiên Hoàng rồi sau đó lại ủng hộ việc đưa Lê Hoàn lên ngôi thay nhà Đinh, cuối đời lại bỏ nhà Tiền Lê?

Lý giải điều này có hai vấn đề: về phía các vua Đinh, Tiền Lê: sử dụng Phật giáo như một công cụ tinh thần để đoàn kết dân tộc, chống lại tư tưởng của kẻ ngoại xâm. Vào thời kỳ đó, các nhà sư là những người có học, họ thuộc tầng lớp trí thức, có ý thức về quốc gia dân tộc, sống gần gũi với nhân dân lao động. Họ là đại diện cho tinh thần dân tộc. [5]

Hơn nữa, lý do chính là sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, đất nước vừa giành được độc lập, nhiệm vụ chính có tính sống còn đặt ra đối với nhà Đinh là phải tiếp tục khẳng định được chủ quyền của một quốc gia, một dân tộc độc lập, một tinh thần tự chủ tự cường nên phải khác, đối lập với Trung Hoa về tư tưởng. Trong khi nhà Tống lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính trị thì Đại Cồ Việt, nhà Đinh, Đinh Tiền Hoàng đã lựa chọn Phật giáo làm hệ tư tưởng chủ đạo. Việc Đinh Tiên Hoàng cũng như các vủa Tiên Lê lựa chọn Phật giáo, ưu ái, mời các vị cao tăng giúp rập cho mình là sự lựa chọn sáng suốt, thể hiện cao độ ý chính độc lập dân tộc.

Nhưng tại sao Đinh Tiên Hoàng rồi cả Lê Đại Hành lại lựa chọn Ngô Chân Lưu chứng không phải một vị sư nào khác, trong khi Ngô Chân Lưu là hậu duệ của nhà Ngô? Điều biết đặt quyền lợi, lợi ích dân tộc lên trên lợi ích dòng họ, ông thực sự là một vị cao tăng đắc đạo. Ở cương vị cao nhát của giới Phật giáo trong đất nước nhưng ông đã không hành động kiểu như Ngô Nhật Khánh. Ngô Chân Lưu cũng “thông Nho” nhưng không bị tư tưởng “trung quân” của Nho giáo đè nặng nên ông (cũng như nhiều nhà sư khác) có thể phò tá bất cứ ông vua nào miễn là vị vua ấy là minh quân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Vì vậy khi hai cha con Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, triều đình nhà Đinh rối ren, họa ngoại xâm đang đến gần, đất nước cần vị minh quân để ổn định tình hình, chống ngoại xâm, Khuông Việt lài cùng Pháp Thuận, Phạm Cự Lương… ủng hộ, đưa Lê Hoàn lên ngôi vua.

Đến cuối đời Thiền sư Khuông Việt cáo quan về dựng chùa ở núi Du Hí. Nhưng có lẽ đây không đơn thuần chỉ vì già yếu để cáo quan, về dựng chùa mà có lẽ trước cảnh triều đình Lê Long Đĩnh suy đồi nên Khuông Việt đã về dạy học, đào tạo ra những học trò như Đa Bảo để họ theo gường thầy, tiếp tục con đường phục vụ dân tộc.

2. Những đóng góp nổi bậc của Thiền sư Khuông Việt với dân tộc dưới hai triều Đinh, Tiền Lê

Thời Đinh: đáp lại sự ưu ái, kỳ vọng của Đinh Tiên Hoàng. Thiền sư Khuông Việt có đóng góp cho dân tộc nhất là lĩnh vực văn hóa (qua tràng kinh phát hiện tại Hoa Lư vào năm 1963, 1987). Trong thời gian làm Tăng thống, “Khuông Việt ủng hộ, hướng dẫn Đinh Bộ Lĩnh, Nam Việt vương Đinh Liễn và cả gia đình cũng như triều đình tu theo Phật giáo, lấy đức trị dân, hướng dẫn chính pháp, theo đạo đức, nhân bản và hộ trì Phật pháp. Nhất là ủng hộ Đinh Liễn khắc các tràng kinh”.[6]

Thời Tiền Lê: Thiền sư Khuông Việt có những đóng góp to lớn nhất là việc đoàn kết dân tộc và hoạt động đối ngoại góp phần hình thành nền ngoại giao vừa mền dẻo vừa cương quết, khẳng định vị thế của một quốc gia độc lập tự chủ.

Sau khi Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn còn nhỏ tuổi, họa ngoại xâm đang đến gần, Khuông Việt đã phò giúp Lê Hoàn lên ngôi hoàn đế. Dưới thời Tiền Lê, Khuông Việt càng được tin cẩn, mọi việc quốc gia đại sự sư đều được tham dự, bàn luận. Thiền uyển tập anh chép: “Dưới triều vua Lê Đại Hành, sư (Ngô Chân Lưu) đặc biệt được vua kính trọng, phàm việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự” [7].

Năm 981, khi quân Tống sang xâm lược, nhằm động viên tinh thần chiến đấu của quân lính, Thiền sư Khuông Việt (do Lê Đại Hành chỉ đạo) đã lập đàn cầu đảo ở chùa Vệ Linh(chùa Sóc ở Sóc Sơn, Hà Nôi) nhằm động viên sĩ khí quân dân đánh giặc. Thiền uyển tập anh chép: “năm Thiên Phúc thứ nhất(981), quân Tống sang xâm lược nước ta. Trước đó, vua đã biết chuyện này, bèn sai sư(Khuông Việt) đến cầu đảo xin thần phù hộ. Quân giặc kinh sợ lui về giữ sông Hữu Ninh. Đến đây, bọn chúng lại thấy gió nổi lên ùn ùn, giao long nhảy tung lên mặt nước, quân giặc sợ hãi tan chạy” [8].

Đây là một biện pháp mà không riêng gì Lê Đại Hành, Khuông Việt sử dụng mà nhiều vị tướng, nhiều ông vua của nhiều triều đại sau đó đã sử dụng. Biện pháp này đã có tác dụng tốt nhất là về mặt tư tưởng, đoàn kết toàn quân, toàn dân muôn người như một cùng chiến đấu chống ngoại xâm. Trong điều kiện xã hội bây giờ, khi mà niềm tin của người dân vào các đáng thần linh siêu nhiên còn rất lớn thì đây là biện pháp có ý nghĩa quan trọng.

Không những đóng vai trò quan trọng trong việc coi sóc đời sống tinh thần của người dân, trung tâm đoàn kết các lực lượng chống giặc, xây dựng đất nước(trên cương vị Tăng thống), Thiền sư Khuông Việt còn có đóng góp xuất sắc, nổi bật về các hoạt động đối ngoại.

Sau khi bị đánh bại cuộc xâm lược năm 981, quan hệ với nhà Tống là việc vô cùng quan trọng, làm sao để vừa giữ hòa bình cho đất nước vừ thể hiện được tinh thần độc lập, tự chủ.

Thực hiện chiến lược ngoại giao mềm dẻo nhưng khôn khéo, cương quyết giữ nền độc lập sau chiến tranh, vào năm 982, Lê Đại Hành sai sứ sang nhà Tống cầu phong và đặt quan hệ hòa hiếu. Năm 983 sứ nhà Tống sang giao hảo, phong chiếu cho vua Đại Cồ Việt. Trong nhiều năm sau đó những cuộc thăm viếng qua lại giữa Đại Cồ Việt và Tống diễn ra thường xuyên. Việc tiếp đón, giao tiếp với các sư giả nhà Tống là hoạt động ngoại giao vô cùng hệ trọng. Trọng trách ấy Lê Đại Hành đã giao cho các vị sư trong đó có Khuông Việt.

Năm 987, nhà Tống cử Lý Giác sang sứ nước ta. Lê Hoàn đã cử sư Pháp Thuận và Khuông Việt đón tiếp. Pháp Thuận đóng giả làm “giang lệnh”(người lái đò, người cai quản bến đò). Khi thuyền ra giữa sông, Lý Giác thấy đôi ngỗng đang bơi, bèn ứng khẩu ngâm thơ.

    Ngỗng ngỗng kìa một đôi ngỗng

    Vươn cổ nhìn chân trời

Nguyên văn:

    “Nga nga lưỡng nga nga

    Ngưỡng diện hướng thiên nhai”

Pháp Thuận đang cầm chèo liền nối vần ngay:

    Lông trắng phơi dòng biếc

    Sóng xanh chân trời hồng

Nguyên văn:

    “Bạch mao phô lục thủy

    Hồng trạo bãi thanh ba”

Lý Giác ngạc nhiên và khâm phục, liền tặng cho Pháp Thuận bài thơ trong đó có câu “thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu”(Ngoài trời lại có trời soi nữa). Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thuận đem thơ này dâng lên. Vua (Lê Đại Hành) cho gọi Ngô Khuông Việt đến xem. Khuông Việt nói: “thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống” [9]. Ứng xử ngoại giao của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận đã khiến Lý Giác than phục thần dân Đại Cồ Việt, sự ngưỡng mộ vua Lê Đại Hành không khác gì hoàng đế triều Tống.

Khi Lý Giác về, Khuông Việt được giao trọng trách đưa tiễn. Thiền sư đã làm bài Ngọc Lang Quy tiễn Lý Giác.

    Tường quan phong hảo cẩm phàm trương

    Thần tiên phục đế hương

    Thiên trùng vạn lý phuc thương lang

    Cửu thiên qui lộ trường

    Tình thảm thiết

    Đối ly trường

    Phan luyến sứ tình lang

    Nguyện tương thâm ý vị Nam cương

    Phân minh tấu ngã hoàng.

Bài này đã được dịch:

    Nắng tươi gió thuận cánh buồm giương

    Thần tiên lại đế hương

    Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương

    Về trời xa đường trường

    Tình thảm thiết

    Chén lên đường

    Vin xe sứ vấn vương

    Xin đem thâm ý vì biên cương

    Tâu vua ta tỏ tường. [10]

Bài từ Ngọc Lang Quy của Khuông Việt xứng đáng là một trong những trang mở đầu cho dòng văn học bang giao đặc sắc của dân tộc. Lê Quý Đôn trong phần “Lệ ngôn” sách Toàn Việt thi lục cũng từng khẳng định tác phẩm trên là từ khi ông viết rằng: “Nước Việt từ khi bắt đầu khai mở nền văn trị, không hề sút kém so với Trung Quốc; bài từ Lê Tiên Hoàng tiễn sứ Tống là Lý Giác uyển chuyển hoa mĩ, có thể vốc được” [11]. Ngô Thì Sĩ ca ngợi: “Khúc ca tiễn sứ giả, tình tứ sắc bén đầy đủ, dù nhân văn từ khách ngày nay cũng không hơn được” [12]. Còn Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí lại đánh giá rất cao tác phẩm này của Khuông Việt ở khía cạnh tư tưởng, lòng tự tôn dân tộc: “Khúc hát hay cũng đủ khoe nhân tài, mà quốc thể thêm được tôn trọng làm cho người phương Bắc phải khuất phục. Sau này mỗi khi sứ Trung Quốc về nước đều có đưa thơ tiễn để khoa trương văn hóa, bắt đầu thực sự là đây” [13]

Phải đặt trong bối cảnh lịch sử bấy giờ mới thấy hết ý nghĩa ngoại giao của bài từ Ngọc lang quy. Chắc chắn bài từ của Thiền sư Khuông Việt đã tác động mạnh mẽ tới tâm lý khiến Lý Giác vừa trân trọng vừa cảm phục tài năng người dân Đại Cồ Việt.

Thiền sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu với trọng trách một nhà ngoại giao đã góp phần tạo lập mối quan hệ hòa hảo giữa hai nước Việt – Tống, giữ gìn biên cương nước Việt được bình ổn trong suốt những năm cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI. Năm 988, sứ nhà Tống sang nước ta phong cho Lê Đại Hành tước “khai quốc công”. Đến năm 990 sứ nhà Tống là Tống Cảo sang nước ta phong thêm cho Lê Đại Hành hai chữ “đặc tiến”. Năm 993 nhà Tống lại sai sứ sang phong cho Lê Đại Hành làm “Giao chỉ quận vương”, chính thức thừa nhận việc Lê Đại Hành nắm quyền giữ đất nước thay nhà Đinh. Đến năm 997, lại gia phong cho Lê Đại Hành “Nam Bình Vương”. Trong quan hệ, nhà Tiền Lê tuy chiu thần phục nhà Tống, hàng năm nộp cống đầy đủ, nhưng luôn luôn giữ vững tinh thần tự chủ, độc lập. Chính vì vậy, sau khi Lê Đại Hành mất (1005), các con của ông tranh chấp ngôi vua, đem quân đánh lẫn nhau. Hai lần quần thần dâng sớ xin vua Tống đem quân xâm lược Đại Cồ Việt nhưng vua Tống đã từ chối. Đại Cồ Việt được bình yên. Quan hệ Việt – Tống tốt đẹp.

Tóm lại Khuông Việt là một trong những Thiền sư tiêu biểu nhất trong kỷ nguyên đầu độc lập của dân tộc. Trong mối quan hệ với triều Đinh, Tiền Lê, Thiền sư Khuông Việt luôn nhất quán mục tiêu hạnh phúc cho nhân dân, lợi ích cho dân tộc lên hàng đầu. Ông không nhưng là một vị cao tăng đắc đạo mà còn là một nhà chính trị lão luyện, một nhà ngoại giao khôn khéo, một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông thật xứng đáng với danh hiệu Khuông Việt (phò tá nước Việt) mà vua Đinh Tiên Hoàng đã ban tặng. Khuông Việt còn là một trong những tấm gương sáng nhất của Phật giáo Việt Nam trên hành trình dấn thân cùng dân tộc suốt hơn nghìn năm qua. Tư tưởng và những đóng góp của Thiền sư Khuông Việt xứng đáng được ca ngợi và phát huy./.

(Theo tư liệu Hội thảo khoa học quốc tế Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập)
 
Th.S Đinh Văn Viễn

Trường Đại học Hoa Lư, Ninh Bình

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thiền uyển tập anh, Nxb.Văn học, Hà Nội, 1990, trang 42

2. Thiền uyển tập anh, Nxb.Văn học, Hà Nội, 1990, trang 43

3. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983, trang 206

4. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2, Nxb.Tp.Hồ Chí Minh, 2001, trang 415

5. Xem thêm: Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb.Văn học, Hà Nội, 2000, trang 185.

6. Xem thêm: Hòa thượng Thích Thiện Nhơn: Phật giáo thời Đinh – Tiền Lê sự kế thừa, hội tụ và phát triển. http://daitangkinhvietnam.org/lich-su-phat-giao/phat-giao-viet-nam/5577-phat-giao-thoi-dinh-tien-le-ke-thua-hoi-tu-va-phat-trien.html

7. Thiền uyển tập anh, Nxb.Văn học, Hà Nội, 1990, trang 43

8. Thiền uyển tập anh, Nxb.Văn học, Hà Nội, 1990, trang 43

9. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983, trang 222

10. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983, trang 225

11. Toàn Việt thi lục lệ ngôn, Thơ Văn Lý – Trần, tập 1, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, trang 24

12. Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, trang 171, 172.

13. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, trang 191.

 
Phương tiện: 0
Xuất phát: 33