menu_open

Lịch sử Phật giáo

Tự tin để biến đổi thế giới
Xem cỡ chữ:
Bạn càng khởi phát từ tâm đối với tha nhân, càng hiểu khổ đau của họ và mở lượng từ bi thì từ đó bạn càng cảm thấy tăng thêm dũng cảm và nâng cao giá trị bản thân. Giải pháp tối hậu, giải pháp rõ ràng nhất ấy là, để nâng cao giá trị bản thân thì bạn phải đổi cái tâm ngã ái thành nhân ái – từ cái tâm ích kỷ thành cái tâm phục vụ kẻ khác. Khi bạn thực hiện như vậy, tâm trạng tự ti biến mất và bạn cảm thấy tự tin mạnh mẽ.
Tự tin để biến đổi thế giới
Tự tin để biến đổi thế giới

tu-tin-bien-doi-the-gioi



	 
Cách đây một vài năm, tôi bắt đầu cộng tác với Lạt-ma Zopa Rinpoche trong việc viết một cuốn sách có đề tài làm thế nào người ta có thể khắc phục được cách nhìn tiêu cực về giá trị bản thân và có thể phát triển lòng tự tin để biến đổi thế giới thành một cõi tốt đẹp hơn qua việc giúp đỡ tha nhân. Lý do khiến tôi nghĩ đây là một đề tài thú vị một phần là vì lòng tự tin của cá nhân Rinpoche trong việc thực hiện nhiều dự án lớn lao để giúp tha nhân quả thật phi thường.
 
Ngay trong buổi trò chuyện đầu tiên để chính thức xây dựng cuốn sách, tôi nói: “Trong công việc của tôi, lúc mới đầu tôi không được tự tin cho lắm. Nhưng qua hơn mười năm làm công việc của một nhà tâm lý học, nay dần dần lòng tự tin của tôi đã tăng tiến nhờ kinh nghiệm. Dựa vào kinh nghiệm đúc kết từ công việc đã thực hiện, tôi có thể nhận thấy lòng tự tin tăng lên như thế nào. Nhưng trong trường hợp của Rinpoche, với những dự án to tát như công trình xây dựng tượng Phật Di Lặc ở Ấn Độ, Ngài không thể nào phát triển được lòng tự tin dựa vào kinh nghiệm quá khứ bởi vì Ngài chưa bao giờ thực hiện một công trình với quy mô đó – ít ra là trong kiếp sống này! Làm sao người ta có thể phát triển sự tự tin hay lòng dũng cảm để thực hiện những công việc lớn lao mà trước đó bản thân mình chưa hề làm và cũng chưa bao giờ thấy ai làm?”.
 
Ngài Rinpoche cười lên một tràng rồi bảo: “Kỳ thực, điều đó tôi không thể nắm chắc..”. Vốn biết rằng thông thường Ngài Rinpoche tránh né những đề tài có vẻ tập trung vào những phẩm chất tốt đẹp của chính mình nên tôi cố dồn thêm câu hỏi: “Ngài thật sự không biết hay sao?”.
 
Lạt- ma Rinpoche biết rõ ý tôi, lại cười thêm một tràng nữa rồi nói: “Đôi khi người ta chỉ tự nhiên cảm nhận như vậy thôi”.
 
Tôi hỏi: “Quả là thế, nhưng ngay cả sự cảm nhận tự nhiên ấy cũng phải xuất phát từ một chỗ nào chứ. Do đâu mà có cảm nhận ấy?”…Vẫn tỏ vẻ hơi áy náy khi nói về bản thân mình. Ngài Rinpoche bảo: “Nói chung, người ta có thể cảm nhận như đó là điều tự nhiên. Còn về việc như là xây dựng một bức tượng kích thước lớn như thế dĩ nhiên nó tùy ở nghiệp. Nhân của nó là thiện nghiệp. Khi bạn tích nghiệp lành thì quả báo xuất hiện tròn đầy. Đạt được kết quả như thế không dễ dàng và cần nhiều kiên nhẫn, nhưng điều chính vẫn là thiện nghiệp. Tôi hỏi: “Ngài thực hiện rất nhiều dự án khác để giúp tha nhân, như xây dựng rất nhiều thánh vật khác nhau, khởi xướng các dự án xã hội v.v…Vậy thì lòng tự tin ấy xuất phát từ thiện nghiệp hay khả năng hoàn thành công trình là do thiện nghiệp?
 
Lạt-ma Rinpoche giải thích: “Tôi cho rằng tất cả đều xuất phát từ nghiệp lành. Sự quyết tâm hoàn thành công trình lẫn khả năng thực hiện chúng đều do nghiệp lành. Nếu không có đủ nghiệp lành thì dù có quyết tâm bạn cũng không thể hoàn thành những gì bạn bắt tay thực hiện. Người ta phải tự tin vào cái tâm của mình, phải có nhiều can đảm và cương quyết. Rồi còn phải tích tụ nghiệp lành nữa. Về cơ bản, sự việc là như vậy đấy”.
 
Một đề tài mà tôi thích thú nghiên cứu cùng với Rinpoche là quan niệm của đạo Phật về những loại hành động tạo nghiệp cụ thể nào đưa đến những kết quả như lòng tự hào lành mạnh, sự dũng cảm, và lòng tự tin vững vàng để có thể thành công trên bước đường đi đến giác ngộ và cải thiện thế giới trở thành tốt hơn cho bản thân và tha nhân.
 
Điều trước tiên và được Rinpoche nhấn mạnh nhất đó là “lòng từ bi”. Ngài nói: “Từ bi, từ bi, từ bi-là Tâm Bồ đề. Bạn càng khởi phát từ tâm đối với tha nhân, càng hiểu khổ đau của họ và mở lượng từ bi thì từ đó bạn càng cảm thấy tăng thêm dũng cảm và nâng cao giá trị bản thân. Giải pháp tối hậu, giải pháp rõ ràng nhất ấy là, để nâng cao giá trị bản thân thì bạn phải đổi cái tâm ngã ái thành nhân ái – từ cái tâm ích kỷ thành cái tâm phục vụ kẻ khác. Khi bạn thực hiện như vậy, tâm trạng tự ti biến mất và bạn cảm thấy tự tin mạnh mẽ”.
 
…Tôi hỏi Lạt-ma Rinpoche còn có những loại hành động tạo nghiệp nào khác dẫn đến niềm tin mạnh mẽ vào giá trị bản thân không. Ngài Rinpoche nói thêm: “Ngoài sự thực hiện lòng từ bi đối với tha nhân, tôi còn cho rằng việc tán thán các đức hạnh của Phật, Pháp, Tăng cũng tạo ra lòng tự tin. Thêm vào đó là việc tán thán các chúng sinh khác – tán thán các phẩm hạnh của họ”. Những điều này rõ ràng dễ hiểu. Nếu tự ti là kết quả của cách suy nghĩ tiêu cực về bản thân, là tâm trạng thường hay phát sinh do tâm trí bạn ghi nạp dấu ấn tiêu cực của tha nhân và còn do bạn chỉ trích người khác, vậy thì hành động nghiệp để thay đổi tâm trạng đó tất phải bao gồm việc tán thán những phẩm chất tốt đẹp của Tam bảo cũng như của người khác.
 
Sau đó, Rinpoche nêu lên một loại nghiệp đặc biệt có hiệu quả tuyệt vời trong việc xây dựng lòng tự tin, Rinpoche nói: “Trong sách ‘Các giai đoạn trên đường tu tập đi đến Giác ngộ’ (Lamrin Chenmo), Đức Lạt-ma Tsongkhapa nhấn mạnh rất kỹ rằng nếu bạn có thể đạt được các phẩm chất đặc biệt trong kiếp tái sinh làm người quý báu độc nhất trong mọi loài thì bạn có khả năng thành tựu giác ngộ một cách mau chóng. Ở đây, tôi bàn về phẩm chất cuối cùng trong tám phẩm chất được mô tả trong quyển sách Lamrin ấy, đó là có một thân tâm vững mạnh đủ sức chịu đựng gian khổ. Có một thân tâm vững mạnh tức là bạn có nhiều tự tin và can đảm và như vậy có khả năng chịu gian khổ để đi hết con đường đoạn diệt tất cả mọi cảm xúc rối loạn, mê mờ-những cấu uế thô cũng như tế để bạn có thể đi trọn con đường đến giác ngộ. Nhờ phẩm chất đó, bạn có thể giống như Ngài Milarepa và các vị Đại sư khác đã đắc đạo trong một thời gian ngắn, thậm chí chỉ trong một vài năm! Các vị ấy đã thành công nhờ có một thân tâm vững mạnh, trong đó có sự hãnh diện và lòng tự tin mạnh mẽ. Nghiệp nhân chủ yếu để có một thân tâm vững mạnh là đảm trách những công tác khó khăn – gánh vác công việc mà người khác thấy khó. Công việc làm của bạn là kiểm điểm trong đời sống hàng ngày để xem những công việc gì hay những công tác nào kẻ khác cho là khó khăn rồi tự mình gánh vác lấy. Bạn cứ làm đi! Bất cứ những gì người khác thấy có vẻ khó khăn thì bạn cứ lãnh trách nhiệm và hoàn thành chúng. Chẳng nghi ngờ gì – dứt khoát điều này sẽ nâng cao lòng tự tin. Điều đó chắc chắn. Bằng hảo tâm gánh vác những công tác khó khăn cho kẻ khác, chắc chắn bạn sẽ phát triển lòng tự tin và một thân tâm mạnh mẽ để giúp bạn thực hiện được những thành tựu lớn, đi trọn con đường tiến đến giác ngộ và sau đó sẽ có khả năng giải thoát vô số chúng sinh khỏi cảnh đau khổ luân hồi. Nói chung, bất cứ loại hảo tâm nào cũng đều giúp ích cho việc xây dựng lòng tự tin. Nhưng giáo pháp Lamrin cho thấy rằng phương cách độc đáo gánh vác trách nhiệm làm những công việc mà kẻ khác thấy khó khăn là có hiệu quả đặc biệt”.
 
Dĩ nhiên sự mô tả của Lạt-ma Rinpoche về các lợi ích của việc gánh vác những công việc mà kẻ khác thấy khó khăn đã làm tôi nghĩ đến những hoạt động của cá nhân Ngài, bởi vì ngài thường hay đảm nhiệm những công tác mà kẻ khác thấy không thể thực hiện được. Tuy nhiên, khi chúng tôi thảo luận các điểm này một cách chi tiết, Lạt-ma Rinpoche nhấn mạnh vào chỗ bất cứ ai cũng có thể khởi sự thực hành từ tâm, tán thán phẩm chất tốt đẹp của bạn cùng sở hay những thành viên trong gia đình và gánh vác những công tác dù là những công việc nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày mà những người chung quanh thấy khó khăn hoặc nặng nề. Bất cứ việc gì, chẳng hạn như bạn giúp khiêng vác trong tiệm tạp hóa, tử tế với một người bạn cùng làm cùng học, quét dọn phòng vệ sinh, tình nguyện làm việc ở một cơ sở từ thiện hoặc ở tự viện, điều cốt yếu là bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể đảm nhận những việc khó, từ đó bắt đầu hình thành một vòng lan tỏa lòng tự tin càng ngày càng lớn rộng, cho phép chúng ta đảm đương những thách thức mỗi lúc một nặng nề hơn để cải thiện bản thân chúng ta và làm thế giới quanh ta trở nên tốt đẹp hơn.■
 
Châu Văn Thuận dịch | Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 97
 
Trích thuật từ cuốn sách sắp xuất bản bàn về lòng tự tin của hai tác giả Lama Zopa Rinpoche và Lorne Ladner, tựa đề tạm là Infinite Confidence, đăng trên tạp chí Mandala.
 
Lorne Ladner là Giám đốc Trung tâm Guhyasamaja của FTMP (cơ quan Bảo Tồn Truyền Thống Đại Thừa) gần Washington D.C. Ông đã học với Lama Zopa Rinpoche và các vị Thầy Tây Tạng từ cách đây hơn 20 năm. Hiện nay ông là nhà Tâm lý học lâm sàng. Ông đã viết nhiều sách trong đó có The Lost Art of Compassion và The Wheel of Great Compassion.
Phương tiện: 0
Xuất phát: 35